Số tiền này nằm trong tổng số 4,2 tỷ USD tài sản của Iran bị đóng băng ở nước ngoài.

Quyết định này được đưa ra sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo xác nhận Tehran đã tuân thủ tốt các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân sơ bộ đạt được với các cường quốc hồi tháng 11/2013.

fordo_copy.jpg
Bên trong cơ sở làm giàu urani Fordo của Iran (Ảnh AP)

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu triển khai các bước để dỡ bỏ lệnh phong tỏa tài sản của Iran.

Theo thỏa thuận hạt nhân ngày 24/11 năm ngoái, 6 cường quốc thế giới là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đồng ý cho phép Iran từng bước tiếp cận 4,2 tỷ uSD tài sản bị phong tỏa ở nước ngoài nếu Tehran thực hiện đúng cam kết.

Trong đó, nếu Iran hoàn tất việc làm loãng một nửa kho urani được làm giàu ở cấp độ 20% xuống mức không quá 5% thì Mỹ sẽ trả lại cho Iran thêm 450 triệu USD từ các tài khoản và tài sản của nước này đang  bị phong tỏa.

Theo bà Harf quyết định này phù hợp với những cam kết của Mỹ trong thỏa thuận hạt nhân sơ bộ giữa Iran và nhóm P5+1 và có cân nhắc tới báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

“Bản báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã cho thấy Iran đã hoàn thành việc pha loãng kho urani đã làm giàu  ở cấp độ 20%. Dựa trên sự xác nhận  này và phù hợp với cam kết của Mỹ trong thỏa thuận hạt nhân sơ bộ, Bộ Tài chính Mỹ quyết định dỡ bỏ một phần số tài sản của Iran đang bị phong tỏa trị giá 450 triệu USD”, bà Harf cho biết.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nói thêm rằng, cùng với việc Iran tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hạt nhân của mình đối với nhóm P5+1 thì Liên minh châu Âu cũng sẽ duy trì thực hiện cam kết của mình”, bà Harf nhấn mạnh.

Trong báo cáo mới nhất công bố cùng ngày trước đó, IAEA khẳng định Iran đã tuân thủ những cam kết trong thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân với Nhóm P5+1 và giảm một nửa trữ lượng urani được làm giàu ở cấp độ 20%.

Báo cáo nêu rõ, trong gần ba tháng qua kể từ khi thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 có hiệu lực vào ngày 20/1 vừa qua,  Iran đã hoàn thành những cam kết của mình, trong đó ngừng làm giàu urani trên mức 5%, không tiến hành thêm các hoạt động ở cơ sở làm giàu urani Fordo, cũng như ở lò phản ứng Arak.

Ngoài ra, kho urani được làm giàu ở cấp độ cao của Iran cũng lần đầu tiên giảm tới 75%. Tuy nhiên, bản báo cáo của IAEA đã chỉ ra sự chậm trễ của Iran trong việc xây dựng nhà máy được thiết kế để chuyển đổi urani giàu 20% thành bột oxide phần còn lại đáng lẽ phải đi  vào hoạt động trước ngày 9/4.

Phản ứng trước báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã bày tỏ ủng hộ các cuộc đàm phán với các cường quốc về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, song một lần nữa khẳng định Iran sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của mình.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 ký tháng 11 năm ngoái nêu rõ Iran đã cam kết ngừng làm giàu urani trên mức 5% và giảm đáng kể tốc độ phát triển chương trình hạt nhân, đồng thời cho phép các chuyên gia của IAEA  tiến hành thanh sát các cơ sở hạt nhân then chốt của nước này.

Đổi lại, phương Tây nhất trí nới lỏng từng phần các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Hồi giáo này. Đây được xem là bước tiến đầu tiên để tiến tới ký kết một thỏa thuận toàn diện giữa Iran và Nhóm P5+1 mà theo kế hoạch cần đạt được trước 20/7 tới nhằm tạo điều kiện để nước này tiếp tục chương trình hạt nhân dân sự, nhưng với quy mô nhỏ hơn và với sự giám sát chặt chẽ hơn.

Dự kiến, vòng đàm phán tiếp theo giữa các bên sẽ diễn ra ngày 13/5 tới tại thủ đô Vienna, Áo./.