Chính quyền Tổng thống Trump đã dành nhiều thời gian để thuyết phục các đồng minh cũng như cộng đồng quốc tế cần phải cô lập Iran. Tuy nhiên, khi một loạt căng thẳng trong tuần này giữa Mỹ và Iran leo thang, kéo theo nguy cơ về một cuộc xung đột thì theo đánh giá của phóng viên Adam Taylor trên Washington Post, không phải Mỹ đang cô lập Iran mà là Mỹ đang tự cô lập chính mình.
Mỹ đang cô lập Iran hay tự cô lập chính mình? Ảnh: AP |
Anh - một đồng minh thân cận của Mỹ đã công khai lên tiếng phủ nhận về một cuộc chiến trong tương lai với Iran. Chỉ huy quân đội Anh cũng bác bỏ tuyên bố của Mỹ về việc Iran tăng cường các hoạt động quân sự, đồng thời nhận định với báo giới rằng "không có mối đe dọa nào từ lực lượng của Iran tại Iraq và Syria".
Trong khi đó, Tây Ban Nha thông báo ngày 14/5 rằng nước này sẽ rút 1 tàu khu trục khỏi nhóm hải quân do Mỹ đứng đầu đang tới vùng Vịnh, cũng như khẳng định rằng: "Chính phủ Mỹ đã đưa ra quyết định không nằm trong khung thỏa thuận với Hải quân Tây Ban Nha".
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/4 rằng Mỹ nên theo đuổi một chính sách "kiềm chế tối đa và tránh leo thang quân sự".
Ngay ngày hôm sau, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nói với Ngoại trưởng Mỹ rằng ông hy vọng Mỹ sẽ không tăng cường hiện diện quân sự để đối phó với Iran.
Các đồng minh truyền thống của Mỹ như Australia và Canada vẫn giữ im lặng. Thậm chí, các nước vùng Vịnh vốn thường công khai chống Iran như Saudi Arabia hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng giữ thái độ thận trọng trong tuần này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất khen ngợi lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump với Iran.
"Israel và tất cả các nước trong khu vực cũng như các nước mong muốn hòa bình thế giới đều sẽ sát cánh cùng Mỹ chống lại các hành động khiêu khích của Iran", Thủ tướng Netanyahu phát biểu ngày 14/5 nhân lễ kỷ niệm đầu tiên Đại sứ quán Mỹ được mở ở Jerusalem.
Tuần trước, Mỹ đã điều tàu chiến và các máy bay ném bom tới Trung Đông để đối phó với cái mà Washington gọi là mối đe dọa từ Iran. Nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ đều tỏ ra lo ngại về một cuộc xung đột mới ở Trung Đông.
Mỹ khẳng định nước này không muốn chiến tranh với Iran nhưng cũng không bác bỏ khả năng này.
"Chúng tôi không muốn chiến tranh với Iran. Nhưng chúng tôi cũng muốn khẳng định với Iran rằng nếu các lợi ích của Mỹ bị tấn công, chúng tôi chắc chắn sẽ đáp trả tương xứng", Ngoại trưởng Pompeo khẳng định trong chuyến thăm tới Sochi, Nga tuần này.
Một số nhà phân tích nhận định việc Mỹ cân nhắc các lựa chọn nhằm tăng cường số binh lính ở Trung Đông là một phần trong chiến lược gây sức ép với Iran. Nhưng thậm chí cả như vậy, các đồng minh của Mỹ vẫn cho rằng đó là một biện pháp liều lĩnh.
"Chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ một cuộc xung đột sẽ nổ ra bởi những leo thang căng thẳng không lường trước được", Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nhận định ngày 14/5.
Mỹ đã dành gần 2 năm để thuyết phục EU tham gia vào chiến lược "gây sức ép tối đa" nhằm chống lại Iran nhưng các nước EU nhìn chung đều cố gắng "giữ khoảng cách" với chính sách Iran của Tổng thống Trump. Nhiều quốc gia vẫn tuyên bố ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 thậm chí cả sau khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận này năm 2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt với Tehran./.
Kịch bản chiến tranh Mỹ-Iran và những hệ lụy khó lường