Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất do các nhà khoa học tại một số trường Đại học của Mỹ, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), tập đoàn Google, và Cơ quan Điều tra Địa chất Mỹ tiến hành. Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí Khoa học Thế giới cuối tuần qua.

Theo nghiên cứu, diện tích rừng bị tàn phá trong 12 năm qua lớn hơn gấp 8 lần so với diện tích của Texas, bang lớn nhất tại Mỹ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu dựa trên 146 triệu ảnh điểm và hơn 650.000 hình ảnh chụp từ vệ tinh, để xây dựng bản đồ che phủ rừng trên toàn thế giới từ năm 2000 đến năm 2012.

amazone_copy.jpg
Rừng rậm Amazone tại Nam Mỹ (Ảnh Getty Images)

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, nạn phá rừng, cháy rừng, bão cát và sự tàn phá của côn trùng là những nguyên nhân chính khiến diện tích rừng trên thế giới bị suy giảm.

Theo nhóm nghiên cứu, trước đây việc so sánh sự biến động diện tích rừng tại các nước trên thế giới đều khó thực hiện và độ chính xác không cao.

Hiện, vệ tinh quan sát mặt đất trở thành một công cụ hữu dụng cho công việc này. Các nhà nghiên cứu có được những hình ảnh chất lượng và cập nhật về các cánh rừng tại nhiều khu vực trên thế giới.

Với hỗ trợ của vệ tinh, bản đồ biến động diện tích rừng toàn cầu sẽ góp phần tăng cường khả năng quản lý và bảo vệ rừng tại mỗi quốc gia.

Giáo sư Matthew Hansen cho biết: “Từ năm 2008, chúng tôi được truy cập miễn phí dữ liệu của các vệ tinh và nó giúp ích rất nhiều cho công việc nghiên cứu này. Nếu chúng tôi xây dựng bản đồ này trên máy tính, thì nó sẽ mất tới 15 năm và chúng tôi thậm chí không cập nhật được những diễn biến mới nhất. Với chiến dịch toàn cầu, sự hỗ trợ của vệ tinh và công nghệ, chúng tôi đã hoàn thành công việc này. Trên bản đồ của chúng tôi, các bạn có thể thấy màu xanh lá cây thể hiện sự ổn định của cánh rừng, màu đen là rừng đã mất, màu đỏ dấu hiệu sự tàn phá rừng, màu xanh da trời là những cánh rừng mới được trồng lại”.

Nghiên cứu cho thấy, Brazil là một trong những nước có nỗ lực lớn nhất để ngăn chặn nạn phá rừng. Con số 40.000km2 rừng bị phá hủy mỗi năm tại Brazil đã giảm xuống một nửa trong 12 năm qua.

Giáo sư Hansen, người đứng đầu dự án nghiên cứu này cho biết, các chính sách và nỗ lực của Brazil được đánh giá rất cao về có thể được đặt làm tiêu chuẩn cho thế giới trong đối phó với phá rừng và bảo vệ rừng.

Giáo sư Hansen cũng cảnh báo diện tích rừng tại nhiều nước đang ngày càng thu hẹp vì nạn phá rừng, trong đó tại Indonesia diện tích rừng bị tàn phá đang tăng gấp đôi lên hơn 20.000km2 trong 2 năm 2011-2012./.