Tổng thống Biden vẫn chưa nhận được đề xuất. Tuy nhiên nếu ông phê duyệt, các binh sỹ sẽ chỉ được triển khai để bảo vệ an ninh của Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine, hiện nằm trong tầm tấn công tên lửa của Nga, quan chức Mỹ cho biết.
Hiện Nhà Trắng đang cố gắng tìm cách cân bằng 2 yếu tố. Một mặt, Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại việc có mức độ bảo vệ an ninh mạnh mẽ tại Đại sứ quán ở Kiev có thể khiêu khích Điện Kremlin. Mặt khác, Mỹ cũng cần ngăn chặn các cuộc tấn công có thể nhằm vào nhân viên ngoại giao nước này, cũng như cần có đủ lực lượng để sơ tán nhân sự nếu giao tranh lại bùng nổ tại Kiev.
Trước mắt, Bộ Ngoại giao sẽ tự đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán mới mở lại ở Kiev bằng đội bảo vệ thuộc Cơ qian an ninh Ngoại giao.
Bên cạnh lực lượng đặc nhiệm, các quan chức Mỹ cũng đang cân nhắc khôi phục một đội bảo vệ an ninh lấy từ lực lượng thủy quân lục chiến, đơn vị thường đảm bảo an ninh ở các đại sứ quán khác trên thế giới.
Cho đến nay, chưa có đề xuất chính thức nào được gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley hay Tổng thống Joe Biden.
Trong một tuyên bố, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với các đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao về các yêu cầu an ninh tiềm ẩn khi họ nối lại hoạt động tại Đại sứ quán ở Kiev. Hiện chưa có quyết định nào được đưa ra và chưa có đề xuất cụ thể nào được tranh luận ở các cấp cao của bộ về việc đưa các thành viên thuộc quân đội Mỹ trở lại Ukraine vì mục đích bảo vệ hay bất cứ mục đích nào khác”./.