Những lo ngại như vậy ngày càng lớn dần khi kho vũ khí thời Liên Xô cung cấp cho Ukraine được sử dụng trong cuộc chiến dần cạn kiệt và các nhà lãnh đạo Kiev yêu cầu các vũ khí tầm xa hơn với sức mạnh chiến đấu lớn hơn, các quan chức quốc phòng Anh cho hay.

Chính phủ Anh đang là một trong những lực lượng chủ chốt trong nỗ lực điều phối hỗ trợ quân sự quốc tế cho Ukraine.

Bất kỳ vũ khí nào bao gồm các thiết bị dẫn đường và đầu dò để nhắm vào các mục tiêu cũng như có các thuật toán mã hóa, có thể cung cấp cho Nga những thông tin về cách thức các vũ khí này hoạt động cũng như cách thức ngăn chặn chúng, một quan chức thuộc Đại sứ quán Anh bình luận.

"Không có gì là vô hạn", quan chức trên nhận định khi nhắc đến các thiết bị thời Liên Xô được cung cấp cho Ukraine.

Đầu tháng này, các nhà lãnh đạo Mỹ và Anh thông báo sẽ chuyển giao các Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) và Hệ thống Phóng tên lửa hàng loạt (MLRS) M270 cho Ukraine. Các vũ khí này được Ukraine cho là có vai trò quan trọng để đánh bại các vũ khí tầm xa do quân đội Nga sử dụng để chia cắt Donbass.

Giữa bối cảnh các vũ khí của Anh và Mỹ có tầm bắn lên tới 70 - 80 km, các hệ thống này cũng được cho là đủ xa để làm giảm rủi ro bị chiếm giữ ngay lập tức. Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cho rằng, việc mất những vũ khí tầm ngắn hiện đại như tên lửa Brimstone của Anh, được trang bị công nghệ nhân diện mục tiêu, sẽ đáng lo ngại hơn nhiều.

Những bức ảnh tên lửa Brimstone vẫn còn nguyên vẹn rơi vào tay Nga ở Đông Nam Ukraine lần đầu tiên xuất hiện trên Twitter vào giữa tháng 5.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo quốc phòng phương Tây dự kiến sẽ gặp nhau ở Brussels vào tuần sau để hợp tác về các gói hỗ trợ vũ khí mới cho Ukraine. Phiên bản trên biển của tên lửa Brimstone được cho là sẽ lấp đầy khoảng trống trong hệ thống phòng thủ bờ biển của Ukraine.

Phương Tây cho rằng đây là nhiệm vụ toàn cầu quan trọng khi cáo buộc Nga đang chặn các cảng biển của Ukraine, khiến cho 22 triệu tấn lúa mì xuất khẩu vẫn phải nằm chờ trong các hầm chứa gần bờ biển, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Mới đây, ngày 23/5, Đan Mạch nhất trí cung cấp cho Ukraine các tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, quan chức Anh cho rằng nhiều vũ khí như vậy cần được cung cấp nhiều hơn cho Ukraine để nước này tăng cường khả năng chống hạm, phá vỡ thế bị phong tỏa hiện nay.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, các nước phương Tây đang phớt lờ sự thật rằng, việc vận chuyển vũ khí cho Ukraine sẽ dẫn đến sự nổi lên của thị trường vũ khí chợ đen.

"Họ cho rằng đây là tấm vé một chiều nhưng thực ra không phải vậy. Tại vì sao? Họ tin rằng họ đang loại bỏ những vũ khí lỗi thời bằng cách vận chuyển chúng cho Ukraine hoặc nước thứ ba và họ đưa những vũ khí này tới Ukraine. Tuy nhiên, họ quên rằng những cuộc vận chuyển như vậy tới Ukraine sẽ dẫn đến sự nổi lên của thị trường vũ khí chợ đen, đặc biệt là tại Tây Âu”.

Theo bà Zakharova, các nhà chức trách của những nước cung cấp vũ khí cho tới nay vẫn im lặng về việc này nhưng các chuyên gia độc lập và các tổ chức liên quan như Interpol đã dấy lên cảnh báo./.