Ngày 28/7, cử tri Mali sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên tại nước này sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu năm 2012. Đây là một sự kiện quan trọng sẽ xác định tương lai chính trị của quốc gia Tây Phi này khi mà các nhóm vũ trang Hồi giáo vẫn đang tìm cách giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ phía Bắc.

bau-cu-tong-thong-mali.jpg
Poster ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Mali Boubacar Keita (Ảnh: Reuters)

Tổng cộng có 28 ứng cử viên chính thức được Tòa án Hiến pháp Mali chấp thuận, trong đó có một phụ nữ, sẽ tham gia tranh cử.

Trước đó, ngày 6/7, Chính phủ Mali đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp kéo dài gần 6 tháng qua, 1 ngày trước khi khởi động chiến dịch tranh cử.

Dù còn nhiều lo ngại về an ninh trước thềm bầu cử, song các nhà quan sát Liên minh châu Âu đều có chung nhận định rằng, công tác chuẩn bị bầu cử đạt nhiều bước tiến. Ông Louis Michel, người đứng đầu phái bộ giám sát Liên minh châu Âu tại Mali nói: “Theo tôi, công tác chuẩn bị cho bầu cử đã đạt được nhiều bước tiến hơn mong đợi. Cuộc bầu cử có thể diễn ra trong yên bình, trong những điều kiện có thể chấp nhận được, tức là sẽ không có những phát biểu không đúng về kết quả. Tôi cho rằng, người đắc cử sẽ được dư luận công nhận rộng rãi”.

Dù diễn ra vội vàng dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, song nhiều người dân Mali hi vọng cuộc bầu cử sẽ giúp mang lại tương lai tươi sáng hơn cho đất nước. Một số ý kiến của người dân cho rằng: “Cuộc bầu cử sẽ diễn ra tốt đẹp hơn nếu có thêm thời gian, song bầu cử vào thời điểm này là cần thiết và chúng ta không còn lựa chọn nào khác”; “Tôi hy vọng cuộc bầu cử ở miền Bắc sẽ diễn ra suôn sẻ, chiến tranh sẽ chấm dứt. Đây không chỉ là mong muốn của tôi mà còn của tất cả người dân Mali”.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Mali vẫn đang phải đấu tranh với các nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và lực lượng người Toureg đang tìm cách giành quyền kiểm soát các tỉnh miền Bắc. Chỉ 1 tuần trước bầu cử, ngày 20/7 vừa qua, 5 quan chức bầu cử và 1 quan chức địa phương đã bị một số tay súng bắt cóc ngay tại khu vực.

Những vụ bạo lực này đã làm dấy lên lo ngại, bầu cử không thể diễn ra theo đúng kế hoạch hoặc diễn ra trong tình trạng an ninh xấu, trong khi Bộ Ngoại giao Pháp từ chối mọi ý tưởng can thiệp, đồng thời khẳng định cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới là một vấn đề cần vai trò đi đầu của Mali.

Hồi đầu năm nay, Pháp đã mở chiến dịch quân sự nhằm giúp Mali truy quét các nhóm Hồi giáo vũ trang và khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ./.