Reuters đưa tin, Chỉ huy tác chiến Hải quân Mỹ Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, ngày 8/9, Malaysia đã đề nghị Mỹ sử dụng một trong những căn cứ của mình để thực hiện các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông. Tuy nhiên, đến ngày 12/9, ông Greenert xác nhận rằng, các chuyến bay trên vẫn chưa được cho phép tiến hành.
Các chuyến bay giám sát của Mỹ từ Malaysia có thể sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thêm căng thẳng.
Hiện nay, Malaysia và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ chấm dứt việc thực hiện các chuyến bay gần bờ biển của Trung Quốc sau vụ chặn đường máy bay hồi tháng 8.
Trong bài phát biểu ở Washington ngày 8/9, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết: “Thời gian gần đây, Malaysia đã đề nghị máy bay P-8 của chúng tôi sử dụng căn cứ không quân của họ ở phía Đông Malaysia”.
Tuy nhiên, ngày 12/9, Phát ngôn viên của ông Greenert, Đại úy Hải quân Danny Hernandez cho biết, ông Greenert xác nhận, chưa có một chuyến bay của Mỹ nào từ Malaysia được chấp thuận và hai bên vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận về vấn đề này.
Ông Hernandez nói: “Chỉ huy tác chiến Hải quân vẫn chưa chấp thuận cho các chuyến bay như vậy. Ông ấy chỉ thảo luận về các vấn đề trong tương lai như việc ứng phó với các tình huống có thể phát sinh trong khu vực hay các chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370”.
Trước đây, Malaysia từng cho phép máy bay P-8 và P-3 của Hải quân Mỹ thực hiện các chuyến bay giám sát trong chiến dịch tìm kiếm của chiếc máy bay MH370 bị mất tích hồi tháng 3.
Nhiều năm qua, Hải quân Mỹ chưa thực hiện bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về việc tiến hành các chuyến bay quân sự từ Malaysia.
Ngày 12/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này hiện không có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự thường trực tại Malaysia và bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ tại Malaysia cũng cần phải có sự cho phép từ phía Chính phủ Malaysia.
Ngày 8/9, cũng trong bài phát biểu của mình, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết, Malaysia, Indonesia và Singapore là các quốc gia có vai trò quan trọng trong chính sách tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Chính sách tái cân bằng của Mỹ đang khiến Trung Quốc lo ngại rằng, Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự phát triển kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Mặc dù hai nước đang dần cải thiện quan hệ về quân sự, tuy nhiên, hai bên đã có một số các cuộc va chạm trong vấn đề này.
Tháng 8/2014, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã chặn đường nguy hiểm một máy bay hải quân tuần tra của Mỹ tại vùng biển gần đảo Hải Nam mà Mỹ cho rằng, đây là không phận quốc tế.
Tuần trước, tại cuộc gặp giữa các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ và Trung Quốc, hai bên đã nảy sinh bất đồng khi Trung Quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt việc thực hiện các chuyến bay gần bờ biển của Trung Quốc./.