Những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi kêu gọi tiến hành cuộc biểu tình lớn vào ngày 5/7. Theo đó, xung đột giữa những người ủng hộ ông Morsi và Quân đội Ai Cập trở nên căng thẳng.
Ngay sau khi ông Morsi bị phế truất, Tổng thống lâm thời Adli Mansour đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức tiếp tục “dẫn lối” cho Ai cập đang “chìm ngập” trong khủng hoảng.
Các cuộc biểu tình lớn có xu hướng bùng phát tại Ai Cập (Ảnh: AP) |
Những người ủng hộ ông Morsi đã lên án Quân đội Ai Cập “thờ ơ với tính chính thống của Tổng thống do nhân dân bầu lên”.
Họ cũng cho rằng, ông Morsi nhậm chức Tổng thống qua bầu cử, vì vậy sự ra đi của ông Morsi cũng phải được trưng cầu dân ý.
Ngày 4/7 tại thủ đô Cairo, Quân đội Ai Cập liên tục vấp phải làn sóng biểu tình với qui mô lớn của những người ủng hộ ông Morsi. Nhiều người còn nghe thấy tiếng súng nổ trong đám biểu tình này.
Tại phía Bắc của thủ đô Cairo cũng diễn ra một cuộc biểu tình làm 45 người bị thương. Cũng có thông tin cho rằng, có người thiệt mạng tại cuộc biểu tình này.
Trước tình hình phức tạp này, Quân đội Ai Cập đã đưa ra tuyên bố cho rằng, hành động biểu tình sẽ gây ảnh hưởng xấu tới an ninh và nền kinh tế quốc gia. Quân đội Ai Cập cũng kêu gọi người dân bình tĩnh và tự kiềm chế.
Trong một tuyên bố đăng trên Face book đêm 4/7, Quân đội Ai Cập cũng thừa nhận những cuộc biểu tình mang tính hòa bình bởi tự do biểu hiện là quyền lợi được bảo vệ của nhân dân.
Trong khi tình hình Ai Cập bất ổn, khách du lịch hy vọng tình hình Ai Cập sẽ sớm trở nên ổn định. Đa số khácc du lịch tại Ai Cập mong muốn được trở về nước. Một khách du lịch người Nhật Bản nói: “Tôi muốn trở về Nhật Bản. Tôi không muốn tiếp tục chuyến du lịch nữa bởi tôi lo ngại mất an toàn”.