Phát biểu khai mạc hội nghị về Libya kéo dài 2 ngày ở Geneva, Thụy Sỹ, ngày 11/8, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Bernardino Leon bày tỏ sự hài lòng khi thấy tất cả các bên có mặt ở đây, đồng thời cho rằng điều đó mang lại cơ hội để có thể thúc đẩy tiến trình này.

leon_cepu.jpg
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Bernardino Leon kêu gọi các bên ở Libya thành lập chính phủ đoàn kết. Ảnh AP

Ông Leon kêu gọi các bên ở Libya thành lập một chính phủ đoàn kết hoạt động trong vòng một năm tới với mô hình hội đồng các bộ trưởng do Thủ tướng và 2 Phó Thủ tướng lãnh đạo.

“Chúng tôi đang đề xuất các bên hợp tác trong 3 tuần tới để nỗ lực đạt được sự đồng thuận về 2 điểm quan trọng. Trước hết là thành lập một chính phủ đoàn kết vào cuối tháng 8.

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chính trị và sự sáng tạo cũng như sáng suốt của các bên để đưa ra những cái tên uy tín và những đề xuất khả thi lên bàn đàm phán. Nếu điều này khả thi thì việc thông qua, bỏ phiếu lần cuối và ký vào thỏa thuận có thể diễn ra vào đầu tháng 9.

Điều mà Libya đang phải đối mặt hiện nay là một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn gây chia rẽ đất nước. Vì thế, tôi hy vọng tất cả các bên ở Libya sẽ đưa ra sự lựa chọn khôn ngoan để thúc đẩy đàm phán sớm đạt được một thỏa thuận”, ông Leon nói.

Đặc phái viên Leon cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nhóm vũ trang ở Libya tham gia vào thỏa thuận an ninh vì cho rằng tiến trình này đang đi sau các nỗ lực chính trị.

Cuộc đàm phán được tiến hành trong bối cảnh Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Quốc gia Bắc Phi này đang bị chia rẽ giữa 2 chính phủ được hậu thuẫn bởi các nhóm vũ trang tranh giành quyền kiểm soát đất nước.

Liên minh quân sự có tên Bình minh Libya (Libya Dawn) đã đánh bật chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận của Thủ tướng Abdullah al-Thinni ra khỏi thủ đô Tripoli và tuyên bố tự thành lập chính phủ cách đây một năm, đẩy quốc gia giàu tài nguyên dầu lửa này vào cảnh vô chính phủ. Hiện Chính phủ của Thủ tướng al-Thinni phải hoạt động ở thành phố miền Đông Tobruk.

Trước đó, ngày 12/7, Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya đã nhất trí với một dự thảo thỏa thuận hòa bình của Liên Hợp Quốc nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc cũng như tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - tức cơ quan lập pháp cũ của Libya) đã bác bỏ dự thảo này và yêu cầu sửa đổi.

Việc Đảng này tham gia vào cuộc đàm phán hiện nay ở Geneva mở ra cơ hội thiết lập một thỏa thuận bao trùm tất cả các đảng phái ở Libya nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay./.