Ngày 5/2, phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế thường niên lần thứ 47 đang diễn ra tại Munich, Đức, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki moon đã bày tỏ vui mừng trước việc Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới chính thức có hiệu lực. Ông Ban Ki moon cho rằng với việc thực thi Hiệp ước này một cách đầy đủ sẽ tạo ra một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với sự lãnh đạo "có tầm nhìn xa trông rộng và những nỗ lực hết mình" trong việc thúc đẩy việc giải trừ và không phát triển vũ khí hạt nhân của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong năm 2012 như: Hội nghị thiết lập khu vực tự do về vũ khí hạt nhân tại khu vực Trung Đông và tất cả các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác cũng như Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân.

Sergei-Lavrov.jpg

LHQ hoan nghênh Nga- Mỹ trong việc giải trừ quân bị

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã trao đổi văn kiện phê chuẩn để Hiệp ước START mới chính thức có hiệu lực.

START mới, được Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev ký tại thủ đô Prague của CH Czech hôm 8/4/2010, quy định sau 7 năm thực hiện, hai bên đều giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.550 đơn vị và số phương tiện phóng các đầu đạn này (đã triển khai và chưa triển khai) xuống còn 700-800 đơn vị.

** Cũng tại Hội nghị An ninh Quốc tế, Bộ trưởng Liên minh Châu Âu phụ trách các chính sách đối ngoại Catherine Ashton bày tỏ hy vọng Iran sẽ sớm trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Bà Ashton cho rằng, cộng đồng quốc tế đang mong đợi những thiện chí từ phía Iran, nhất là sau khi cuộc đối thoại giữa Iran với nhóm P5 + 1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) hồi tháng 1 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được bất kỳ sự đột phá nào.

 Bà Catherine Ashton hy vọng Iran sớm có giải pháp tốt cho việc đàm phán với với P5+1

Bà Ashton cho biết, EU thất vọng với Iran khi nước này muốn việc làm giàu urani được công nhận và yêu cầu của Tehran về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi đàm phán. Bởi vậy, bà Ashton hy vọng Chính phủ Iran xem xét việc quay trở lại đàm phán vì đó là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này.

Cho đến nay, Iran vẫn đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc do từ chối ngừng các chương trình làm giàu urani.

Bên cạnh đó, Iran cũng phải chịu các biện pháp trừng phạt cứng rắn riêng rẽ của EU và Mỹ, bao gồm kiểm soát tài chính, mở rộng lệnh cấm vận vũ khí, cũng như phong toả tài khoản và cấm hoạt động của hơn 30 công ty và cá nhân.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các lệnh trừng phạt cứng rắn không khiến Iran ngừng các chương trình hạt nhân mà chỉ khiến cho sự đối đầu giữa nước này với phương Tây ngày càng thêm căng thẳng.

** Liên quan đến vấn đề hoà binh Trung Đông,nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ) đã hối thúc Israel và Palestine nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trước những diễn biến bất ổn ở Ai Cập cũng như các nơi khác trong thế giới Arab.

Tuyên bố của nhóm nêu rõ do những diễn biến căng thẳng về trật tự và an ninh tại nhiều quốc gia ở Trung Đông, nhóm Bộ Tứ cho rằng, nếu trì hoãn thêm việc nối lại các cuộc hòa đàm giữa Israel với Palestine sẽ gây bất lợi cho những triển vọng về hòa bình và an ninh khu vực.

Bộ Tứ kêu gọi các bên hữu quan đẩy nhanh những nỗ lực xúc tiến hòa bình giữa Israel với Palestine cũng như nền hòa bình toàn diện giữa Israel với thế giới Arab.

Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, bà Catherine Ashton với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bên lề Hội nghị An ninh Quốc tế.

Đáp lại lời kêu gọi trên, ông Nabil Abou Rdeineh, phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết, Palestine sẵn sàng gặp nhóm Bộ Tứ nhằm thúc đẩy việc nối lại hòa đàm với Israel.

Ông Rdeineh khẳng định quan hệ giữa Palestine với nhóm Bộ Tứ đang phát triển thuận lợi, và cho rằng nếu nhóm này thực sự muốn tìm ra giải pháp cho vấn đề Trung Đông thì cần phải ưu tiên vấn đề Palestine.

Theo ông Rdeineh, khu vực Trung Đông đang ở trong tình trạng vô cùng nóng bỏng, và sự chiếm đóng của Israel là lý do chủ yếu cho tất cả những bất ổn đã và đang diễn ra trong khu vực này.

Ông Rdeineh kêu gọi nhóm Bộ Tứ cần có ngay những bước đi "dũng cảm và nghị lực" nhằm buộc Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên các phần lãnh thổ Arab và giải quyết vấn đề Trung Đông một cách thiện chí và nghiêm túc.

Đề cập tới những gì đang diễn ra tại Ai Cập và những tác động của nó đối với vấn đề Palestine, ông Rdeineh tuyên bố Palestine chân thành mong muốn sự ổn định thực sự tại Ai Cập và hy vọng quốc gia này sẽ sớm trở lại bình yên./.