Sáng 19/5, các cuộc giao tranh tiếp tục bùng phát ở Benghazi, khu vực miền Đông bất ổn của Libya. Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loạt bất ổn liên quan đến lực lượng bán quân sự mới do tướng Khalifa Haftar cầm đầu. Những cuộc giao tranh đang làm trầm trọng thêm tình hình bất ổn tại Libya.

Cuộc xung đột tại Libya bắt đầu bùng phát từ ngày 16/5 khi lực lượng tự xưng “Quân đội quốc gia Libya”, do tướng về hưu Khalifa Haftar đứng đầu với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng tấn công vào các binh sĩ Hồi giáo Ansar Sharia tại Benghazi.

libya.jpg
Lực lượng an ninh sử dụng pháo hạng nặng bảo vệ lối vào Quốc hội Libya tại Tripoli (Ảnh: AP)

Tiếp đó, chiều 18/5, quân đội quốc gia Libya tiếp tục tấn công vào trụ sở quốc hội Libya, trục xuất các nghị sĩ và khiến một phiên họp bị hoãn lại. Trong một tuyên bố, lực lượng Quân đội quốc gia Libya cho biết, cuộc tấn công vào tòa nhà quốc hội là nhằm "thanh trừng các phần tử đạo Hồi" và không phải là âm mưu tiếm quyền.

Tướng về hưu Haftar nói: “Tất cả lực lượng mạnh nhất hiện đang ở đây và họ đang sẵn sàng. Khi chúng tôi khởi động một cuộc tấn công, điều đó có nghĩa là chúng tôi đã chuẩn bị mọi kế hoạch và điều này sẽ không thể rút lại được. Chúng tôi sẽ không bao giờ rút lui khi chưa đạt được mục tiêu”.

Bộ Y tế Libya xác nhận, các cuộc đấu súng xảy ra gần tòa nhà Quốc hội và trên các tuyến đường dẫn tới sân bay quốc tế Tripoli đã khiến ít nhất 2 người chết và 60 người bị thương.

Trong một động thái làm trầm trọng thêm tình hình, cùng ngày, người đứng đầu lực lượng quân cảnh Libya, Đại tá Mokhtar Fernana đã tuyên bố giải tán Quốc hội lâm thời nước này và trục xuất các "phần tử khủng bố" khỏi thủ đô Tripoli.    

Ông Fernana nói: “Chúng tôi tuyên bố đình chỉ các hoạt động của Quốc hội. Quốc hội sẽ không đóng bất cứ vai trò nào trong việc giải quyết vấn đề chủ quyền đất nước,  vấn đề hành chính hoặc vấn đề pháp lý”.

Ông Fernana tuyên bố, các quan chức quân đội Libya quyết định, hội đồng hiến pháp sẽ đảm nhiệm vai trò của Quốc hội, trong khi Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Abdullah al-Thinni tiếp tục điều hành đất nước tới khi tổ chức được một cuộc tổng tuyển cử.  Đại tá Fernana cho rằng vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội không phải là một cuộc đảo chính mà là "hành động đúng đắn theo tinh thần cách mạng".

Bất chấp việc nhóm Hồi giáo Ansar Sharia tại Benghazi bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, vụ đụng độ này khiến Chính phủ Libya quan ngại khi tướng Haftar sử dụng máy bay và binh lính để tấn công vào các nhóm Hồi giáo khủng bố khi chưa được phép của chính quyền trung ương.

Trong một tuyên bố, Chính phủ lâm thời Libya cho rằng hành động của tướng Haftar là hành vi đảo chính, đồng thời thiết lập một vùng cấm bay tại Benghazi. Quyết định lập vùng cấm bay đồng nghĩa với việc chính phủ lâm thời Libya coi lực lượng của tướng Haftar là "bất hợp pháp” đồng thời nỗ lực ngăn chặn các lực lượng của ông này sử dụng sức mạnh không quân.

Ba năm sau làn sóng biểu tình lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi, đất nước Libya vẫn chìm trong bất ổn. Lợi dụng sự yếu kém và lộn xộn của quân đội và cảnh sát, các nhóm phiến quân phát triển ngày càng nhiều và mạnh.

Trong khi đó, Chính phủ và Quốc hội Libya liên tục bị người dân chỉ trích với các cáo buộc tham nhũng và không có khả năng cải thiện tình hình đất nước. Một số người cho rằng, tướng Haftar đang nổi lên như một nhân vật có thể giúp đưa đất nước thoát khỏi tình trạng chia rẽ hiện nay, điều mà chính quyền trung ương không làm được. Một số người nhận định, chiến dịch tấn công đẫm máu tại Benghazi vừa qua là dấu hiệu cho thấy ông Haftar chuẩn bị đảo chính. Như vậy, khó khăn lại chồng chất đối với một đất nước bất ổn như Libya khi trong vòng hơn 2 tháng đã 3 lần thay Thủ tướng./.