Ngày 10/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp kín về tình hình Yemen, một ngày sau vụ không kích được cho là do Liên quân Arab tiến hành, làm ít nhất 29 trẻ em thiệt mạng. Tuy nhiên, kết quả cuộc họp đã gây thất vọng khi chỉ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra “đáng tin cậy”, thay vì thành lập một cơ quan điều tra độc lập của Liên Hợp Quốc.

yemenboyreutersedit_lgco.jpg
Một trẻ em bị thương trong vụ không kích xe buýt trường học tại Yemen. Ảnh: Reuters

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Karen Pierce, hiện đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bày tỏ “lo ngại sâu sắc”, đồng thời kêu gọi “một cuộc điều tra đáng tin cậy và minh bạch”.

Trước đó cùng ngày, Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen từ năm 2015 nhằm truy quét nhóm phiến quân Hồi giáo người Houthi, đã thông báo mở một cuộc điều tra về vụ không kích này. Theo Đại sứ Karen Pierce, Hội đồng Bảo an dù không yêu cầu mở một cuộc điều tra riêng rẽ, song sẽ thảo luận với Liên Hợp Quốc và các cơ quan về cách thức kiểm chứng cuộc điều tra của liên quân Arab.

“Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại sâu sắc về các vụ tấn công mới đây tại Yemen, kêu gọi một cuộc điều tra đáng tin cậy và minh bạch, đồng thời gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và gia đình”, bà Karen Pierce nói.

Quyết định đã gây thất vọng cho một số nước thành viên và các tổ chức nhân quyền. Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền, Hội đồng Bảo an cần phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập. Tổ chức này cho rằng, là đáng tiếc khi Hội đồng Bảo an lại trao cơ hội điều tra cho Saudi Arabia, quốc gia liên quan trực tiếp tới vụ tấn công hôm 9/8 vừa qua. Liên quân Arab đã đồng ý mở một cuộc điều tra do sức ép của Liên Hợp Quốc và Mỹ.

Hai ngày sau vụ tấn công, người dân tại khu chợ Dahyan, thuộc tỉnh miền Nam Saada của Yemen vẫn chưa thể quên được hình ảnh những đứa trẻ vô tội nằm xuống. Anh Hussin Tayeb, cha của một nạn nhân chia sẻ, con trai của mình đã không ngừng nói về chuyến đi chơi của mình trong suốt 2 ngày trước đó. Đêm trước ngày xảy ra thảm kịch, con đã không thể ngủ được vì háo hức.

Ít nhất 29 trẻ em, tất cả đều chưa tới 15 tuổi đã thiệt mạng trong vụ không kích nhằm vào xe buýt trường học và 77 người khác bị thương, trong đó gần 1 nửa trẻ em. Liên quân Arab đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công, song khẳng định đây là một “hành động quân sự hợp pháp”, nhằm đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa trước đó một ngày của phiến quân ở thành phố Jizan của Saudi Arabia.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã mô tả những hình ảnh về vụ không kích là “đáng kinh sợ” và kêu gọi liên quân nhanh chóng kết thúc điều tra để có thể công bố các kết luận và thực hiện trách nhiệm.

Cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 10/8 diễn ra theo yêu cầu của Bolivia, Hà Lan, Peru, Ba Lan và Thụy Điển, tất cả đều là những nước thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, phó Đại sứ Hà Lan tại Liên Hợp Quốc Gregoire-van Haaren tuyên bố, các nước thành viên Hội đồng Bảo an, cũng như cộng đồng quốc tế đã nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ ngây thơ phải bỏ mạng do chiến tranh. Điều quan trọng hiện nay đó là phải có một cuộc điều tra đáng tin cậy và độc lập.

Đây không phải là lần đầu tiên tại Yemen xảy ra những thảm kịch như thế này. Hôm 2/8, thành phố cảng Hodeidah cũng chứng kiến vụ tấn công khiến ít nhất 28 người thiệt mạng và 70 người bị thương. Câu hỏi mà Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đặt ra đã không khỏi khiến nhiều người phải suy ngẫm, đó là, liệu thế giới có thực sự cần phải chứng kiến thêm những đứa trẻ vô tội thiệt mạng để có thể chấm dứt cuộc chiến tranh tàn bạo tại Yemen?

“Yemen là một trong những quốc gia có số lượng trẻ em cần hỗ trợ nhân đạo nhiều nhất trên thế giới, với hơn 11 triệu trẻ em. Điều này có nghĩa là gần như tất cả số trẻ em tại Yemen đều đang cần giúp đỡ”, người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc Christophe Boulierac nói.

Theo Liên Hợp Quốc, cuộc chiến tranh này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người kể từ khi liên quân Arab bắt đầu can thiệp hồi năm 2015 và đang gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới./.