Văn phòng Quản lý Ngân sách Nhà Trắng (OMB) đã yêu cầu Quốc hội Mỹ hoãn thời gian thực hiện lệnh cấm với các cơ quan liên bang và các nhà thầu sử dụng tiền ngân sách làm ăn với tập đoàn viễn thông Huawei như một phần của luật quốc phòng đã thông qua vào năm 2018.
Lệnh cấm của Mỹ với Huawei sẽ bị hoãn lại? Ảnh: Reuters |
Lệnh cấm này là một phần trong chiến lược gây sức ép của của Mỹ với nhiều biện pháp khác nhau nhằm đối phó với "người khổng lồ" viễn thông Huawei sau khi Washington cáo buộc tập đoàn này có các hành động do thám và trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận việc công ty này bị kiểm soát bởi chính phủ, các cơ quan quân sự và tình báo Trung Quốc. Tập đoàn viễn thông khổng lồ này cũng đệ đơn kiện chính phủ Mỹ khi đưa ra các hạn chế với Huawei trong dự luật chính sách quốc phòng.
Luật Quốc phòng, hay còn gọi là Đạo luật Thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) đã đưa ra lệnh cấm trên phạm vi rộng với việc sử dụng ngân sách liên bang để mua các sản phẩm từ Huawei do lo ngại về các vấn đề an ninh.
Luật này cũng cấm các cơ quan liên bang mua các thiết bị từ Huawei và sẽ có hiệu lực trong năm nay.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết chính phủ cần thêm 2 năm nữa thực hiện các quy định này nhằm giúp các bên cung cấp thứ 3 và các nhà thầu có đủ thời gian để hạn chế mua bán và sử dụng các trang thiết bị của Huawei.
"Điều này sẽ đảm bảo rằng các công ty làm ăn với chính phủ Mỹ hoặc nhận các khoản trợ cấp của chính phủ liên bang có thêm thời gian để tách khỏi việc làm ăn với Huawei cũng như các công ty công nghệ Trung Quốc khác có tên trong danh sách của NDAA", Jacob Wood, phát ngôn viên Văn phòng Quản lý Ngân sách Nhà Trắng phát biểu trong một tuyên bố.
Quyền Giám đốc OMB Russ Vought trong một bức thư đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Quốc hội và Phó Tổng thống Mike Pence hoãn các rào cản đối với Huawei. Ông Vought cho biết sự trì hoãn này sẽ "đảm bảo thực hiện hiệu quả lệnh cấm mà không ảnh hưởng đến các mục tiêu an ninh", đồng thời nhận định điều này sẽ gây ra "một sự suy giảm đáng kể" trong số lượng các nhà thầu đủ khả năng để có thể bán các sản phẩm cho chính phủ Mỹ.
Ông Vought cũng đề xuất các hạn chế đối với việc mua bán thiết bị của Huawei được áp dụng các các nhà thầu chính phủ nên bắt đầu trong 4 năm thay vì chỉ trong 2 năm. Sự trì hoãn này sẽ "cho phép chính phủ có thêm thời gian để suy nghĩ thấu đáo về các tác động tiềm ẩn cũng như các giải pháp khả thi" trước tình hình hiện nay.
Yêu cầu trì hoãn sẽ không dừng hẳn hay tác động đến thời gian thực hiện quy định của Bộ Thương mại khi đưa Huawei vào "Danh sách Thực thể" - một danh sách đen cấm công ty này mua bán các bộ phận và thiết bị từ các công ty Mỹ mà không có sự cho phép của chính phủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh vào tháng 5/2019 nhằm cấm các công ty Mỹ sử dụng các trang thiết bị viễn thông từ các công ty bị nêu trong "danh sách đen" do những lo ngại về an ninh quốc gia./.
Lôi kéo đồng minh vụ Huawei, Pompeo lộ lý do Trump gọi EU là “kẻ thù”