Ngày 11/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có chuyến thăm Kiev lần thứ hai, để thảo luận với Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc Ukraine gia nhập EU.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, bà Leyen cho biết: “Các cuộc thảo luận ngày hôm nay sẽ cho phép chúng tôi hoàn thành đánh giá của mình về vấn đề kết nạp Ukraine vào cuối tuần tới. Ukraine đã làm được rất nhiều trong việc củng cố pháp quyền. Nhưng vẫn cần có những cải cách khác được thực hiện như chống tham nhũng chẳng hạn”.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hi vọng nước này sẽ sớm có được tư cách thành viên của khối, đặc biệt trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay.
“Các cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen hôm nay rất hiệu quả. Tôi rất vui vì sự chân thành của bà. Ủy ban Châu Âu chuẩn bị đưa ra kết luận về đơn đăng ký gia nhập Khối của chúng tôi. Ukraine đã cung cấp tất cả câu trả lời cần thiết trong một thời gian rất ngắn và nó đã được thực hiện một cách thích hợp”, ông Zelensky nói.
Hiện giới chức Ukraine và một số nhà lãnh đạo EU lập luận rằng, Kiev cần được trao tư cách ứng cử viên trong thời gian sớm nhất có thể, giữa xung đột quân sự hiện nay với Nga. Tuy nhiên, điều này sẽ cần sự đồng thuận của toàn bộ 27 nước thành viên EU. Trong khi đó, nhiều nước thành viên, cùng các nước ứng cử viên khu vực Balkan, không chấp nhận việc rút ngắn lộ trình kết nạp.
Theo các nhà nghiên cứu Na Uy, có 5 yếu tố có khả năng ngăn cản nỗ lực nhanh chóng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine. Thứ nhất nằm ở tình trạng tham nhũng. Tiếp theo, Ukraine chưa thể hiện được là một quốc gia phải có nền dân chủ hoàn thiện, pháp quyền và thị trường tự do. Vấn nạn nghèo đói, chiến tranh và chủ nghĩa dân tộc cũng là một trở ngại. Lộ trình kết nạp thành viên của EU khó có thể cắt giảm chính là trở ngại cuối cùng.
Việc Ukraine xin gia nhập EU càng được chú ý hơn khi truyền thông Đức hôm qua vừa đưa tin, Thủ tướng nước này Olaf Scholz cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi đã lên kế hoạch tới Kiev cùng nhau để gặp Tổng thống Ukraine. Hiện tại, chính phủ Đức chưa đưa ra thông tin chính thức, nhưng theo một số quan chức châu Âu tiết lộ, chuyến thăm sẽ diễn ra trước Hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 6 này.
Nếu chuyến thăm diễn ra như thông báo, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo 3 quốc gia đầu tàu EU tới Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2. Qua chuyến thăm, các nước châu Âu có thể tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, song cũng có khả năng mở ra một cơ hội đối thoại cho Nga và Ukraine khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là người ủng hộ đối thoại với Nga./.