Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 11/12 thông báo, lần thứ hai trong lịch sử, một vật thể do con người tạo ra chạm tới không gian giữa các vì sao. 

nasa_ciay.jpg
Lần thứ hai tàu vũ trụ của NASA chạm tới không gian giữa các vì sao (Ảnh: AP)
Dữ liệu thu được từ Voyager 2 cho thấy tàu vũ trụ này của NASA hiện đã thoát khỏi vòng xoắn ốc - bong bóng bảo vệ của các hạt và từ trường được tạo ra bởi mặt trời - ranh giới mà tàu Voyager 1, từng vượt qua vào năm 2012. Voyager 2 hiện cách trái đất 18 tỷ km. Với khoảng cách này, thông tin (di chuyển với tốc độ ánh sáng) mà Voyager 2 gửi về phải mất 16,5 tiếng trái đất mới có thể nhận được.

Theo một nhà khoa học tham gia dự án tàu vũ trụ Voyager, tiến sĩ Ed Stone, hai tàu vũ trụ Voyager kể trên gặp nhau tại các điểm khác nhau của vòng xoắn ốc, cung cấp cho giới nghiên cứu nhiều dữ liệu để phân tích.

Trong khi đó, bà Suzanne Dodd, giám đốc dự án Voyager tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của NASA tại Pasadena, California cho biết, các tàu thăm dò Voyager đang có tuổi đời ngày càng già đi, đề xuất các nhà khoa học tắt một số thiết bị trên các tàu này để đảm bảo chúng có thể duy trì sự hoạt động. Tuy nhiên, bà Suzanne Dodd cũng bày tỏ hy vọng rằng các tàu vũ trụ kể trên sẽ có thể tiếp tục hoạt động trong 9 năm nữa./.