Đây là nhận định trong báo cáo do nhóm nghiên cứu của Ngân hàng SBI (Ấn Độ) thực hiện.
Theo báo cáo, làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại quốc gia Nam Á này bắt đầu từ ngày 15/2 và được dự báo sẽ kéo dài hơn 3 tháng. Đỉnh dịch được nhận định sẽ tới trong khoảng 1 tháng nữa. Vì thế, từ giờ cho tới thời điểm đó, số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng từng ngày. Trên cơ sở các số liệu tính toán, các chuyên gia nhận định sẽ có khoảng 2,5 triệu người Ấn Độ sẽ bị lây nhiễm trong làn sóng này.
Ngày 25/3, Ấn Độ ghi nhận hơn 53.400 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới, con số cao nhất tính trong năm 2021, đưa tổng số người mắc COVID-19 tại nước này lên hơn 11,7 triệu người. Số người đang điều trị tăng ngày thứ 15 liên tiếp và hiện là hơn 395.000 người. Các chuyên gia dự báo, với kinh nghiệm đối phó với đại dịch và chiến dịch tiêm chủng vaccine đang được triển khai, Chính phủ Ấn Độ sẽ sớm kiểm soát được tình hình. Tới thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã tiêm phòng được cho 53 triệu người. Trên cơ sở quan sát diễn biến dịch tại các bang đang có tình trạng lây nhiễm cao, các tác giả của báo cáo cho rằng các biện pháp phong tỏa, cách ly cục bộ theo khu vực địa lý không còn có tác dụng ngăn chặn virus. Điều này là thấy rõ với 1 số bang đang có số ca tăng mạnh như Maharashtra và Punjab. Vũ khí duy nhất để chống lại sự lây lan của virus hiện này là tiêm phòng vaccine.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại với làn sóng thứ hai, Ấn Độ còn ghi nhận một ‘đột biến kép’ của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ của nước này cho rằng số lượng các ca nhiễm ‘đột biến kép’ này chưa đủ lớn để có thể kết luận biến chủng này có liên quan tới sự bùng phát dịch tại một số bang.
Việc phân tích các mẫu virus tại bang Maharashtra cho thấy rằng so với tháng 12/2020, đã có sự gia tăng tỷ lệ các mẫu có đột biến E484Q và L452R. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, những đột biến như vậy tạo ra khả năng virus SARS-CoV-2 thoát miễn dịch và tăng nguy cơ lây nhiễm. Các đột biến này xuất hiện trong khoảng 15-20% mẫu và không khớp với bất kỳ biến thể nào từng ghi nhận trước đó ở Ấn Độ hoặc các biến chủng tại Anh, Nam Phi và Brazil.
Việc phát hiện ra chủng virus mới có nguy cơ lây lan nhanh hơn, diễn ra đúng một năm sau khi Ấn Độ bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2 vào ngày 24/3/2020. Đợt bùng phát mới này có thể buộc chính phủ Ấn Độ phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế và gây thêm áp lực lên cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ vốn đã mệt mỏi sau hơn 1 năm đối phó với dịch bệnh./.