Toàn cảnh Kỳ họp lần thứ I Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa 12. (ảnh: Tân Hoa xã) |
Để hiểu rõ hơn về chỉ tiêu tăng trưởng này cũng như xu hướng phát triển của kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới, phóng viên VOV thường trú tại Trung Quốc phỏng vấn Giáo sư Cốc Nguyên Dương, chuyên gia nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
PV:Giáo sư đánh giá thế nào về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% của Trung Quốc trong năm nay?
GSCốc Nguyên Dương: Là học giả, tôi cho rằng, con số này là tương đối hợp lý. Trên thực tế, trong quy hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm là 7,5%. Việc đưa ra con số này, không phải là tự ý nghĩ ra, mà phải dựa vào các chứng cứ khoa học, trong đó chủ yếu dựa vào việc tính toán tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc là khoảng 8%.
Như chúng ta đã biết, trong hơn 30 năm cải cách mở cửa, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Trung Quốc đạt 9,9%. Nhưng bắt đầu từ năm 2011, kinh tế Trung Quốc sụt giảm 7 quý liên tiếp.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Trung Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng 7,8%. Tôi cho rằng, năm nay, môi trường bên ngoài có tốt hơn, kết quả thực hiện thực tế sẽ đạt trên 8%.
PV: Việc đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng tiềm năng và dự đoán của giới chuyên gia học giả, điều này có phảiChính phủ Trung Quốc tiếp tục chủ động hạ thấp tốc độ tăng trưởng, để tập chung vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế, thưa ông?
GSCốc Nguyên Dương: Như tôi vừa nói, trong hơn 30 năm cải cách mở cửa, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt gần 2 con số. Thời kỳ tăng trưởng 2 con số sẽ không còn nữa. Quỹ đạo phát triển kinh tế Trung Quốc sẽ chuyển từ tốc độ nhanh sang tốc độ vừa. Điều này có một số nguyên nhân. Thứ nhất, hiện nay, tổng lượng kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn, khoảng 8.000 tỷ USD, bằng 50%GDP của nước Mỹ. Xét về quy luật kinh tế, khi có tổng lượng lớn, nền kinh tế đó không thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài.
Điều thứ 2, tốc độ tăng trưởng cao thì lượng tiêu hao năng lượng rất lớn, trong khi Trung Quốc lại đang gặp phải vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Vấn đề nữa là tiền công lao động tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng. Điều này ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc.
PV: Vậy trong giai đoạn hiện nay kinh tế Trung Quốc sẽ dựa vào động lực nào để tăng trưởng?
GSCốc Nguyên Dương: Báo cáo công tác chính phủ đã chỉ rõ, một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay cũng như về sau là thúc đẩy phát triển đô thị hóa.
Đô thị hóa ở Trung Quốc hiện nay vẫn còn khoảng cách lớn so với các quốc gia phát triển. Ở các quốc gia phát triển, tỷ lệ đô thị hóa là 70%, trong khi con số này ở Trung Quốc là hơn 50%. Trong con số hơn 50%, rất nhiều nông dân vẫn chưa thực sự trở thành cư dân thành thị. Nếu bỏ số này ra, tỷ lệ đô thị hóa thực chất ở Trung Quốc chưa đạt đến 40%. Vì vậy, không gian phát triển vẫn còn rất lớn. Muốn thúc đẩy phát triển đô thị hóa thì phải dựa vào đầu tư. Về dài hạn, để phát triển bền vững Trung Quốc phải dựa vào tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm nay, cũng như tăng trưởng trong các năm tới, kinh tế Trung Quốc chủ yếu vẫn phải dựa vào đầu tư.
Xin cảm ơn giáo sư!