Nền kinh tế lớn thứ hai tại Đông Nam Á đang phải chịu thảm hoạ kép trong năm nay khi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 còn phải gánh chịu thêm hậu quả từ các cuộc biểu tình quy mô lớn của sinh viên tại nước này.
Những người biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan đang kêu gọi người dân rút tiền gửi ra khỏi ngân hàng Thương mại Siam, nơi mà ai cũng biết Hoàng gia nước này nắm cổ đông lớn. Cổ phiếu của ngân hàng Siam đã giảm khoảng 6% kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 9/2020.
Các doanh nghiệp quảng cáo trên truyền hình vốn được coi là có thiệm cảm với nhà cầm quyền cũng đã bị tẩy chay, do đó phần lợi nhuận này lại chạy vào các công ty xuyên quốc gia qua hình thức trực tuyến. Với việc đóng cửa BTS Skytrain để ngăn người biểu tình tụ tập, cũng khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ. Đây chỉ là một vài ví dụ kinh tế bị ảnh hưởng thế nào bởi các cuộc biểu tình đòi dân chủ quy mô lớn. Nền kinh tế của Thái Lan vốn đã không sáng sủa trong những năm gần gây, nay lại còn phải chịu liên tiếp hai cú sốc từ biểu tình và Covid-19 nên càng xuống dốc nghiêm trọng.
Những người biểu tình đa phần đều tập trung tại các khu vực có mật độ cao và ở đó là nơi đặt các trung tâm mua sắm. Việc biểu tình khiến các trung tâm mua sắm không thể hoạt động và đều phải đóng cửa. Một người bán hang tại CentralWorld, trung tâm thương mại lớn ở Bangkok cho biết, vào các ngày diễn ra biểu tình, doanh số giảm tới 80%.
Đối với riêng Thái Lan, quốc gia phụ thuộc vào du lịch với khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội, việc thu hút du khách trở lại là yếu tố rất quan trọng cho việc phục hồi kinh tế. Chính phủ nước này đã bắt đầu có những động thái mở cửa lại đất nước để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn kéo dài có thể khiến du khách không chọn Thái Lan là điểm đến. Một người đàn ông sở hữu nhiều khách sạn ở Bangkok cho biết tác động đến du lịch là không thể tránh khỏi nếu các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trở thành bạo lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng phải xem xét để đầu tư vào nước này. Chỉ số chứng khoán (SET) đã giảm liên tục kể từ khi biểu tình quy mô lớn diễn ra. Phát biểu trên tờ Bưu điện Bangkok, Phó chủ tịch của ngân hàng Kasikorn, Sorrabhol Virameteekul cho biết, ngân hàng này khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục chờ đợi cho đến khi có định hướng rõ ràng hơn.
Những cuộc biểu tình năm 2010 khiến khu bán lẻ trên giao lộ Ratchaprasong thất thu tới 5,6 triệu đô la Mỹ chỉ trong một ngày, con số này trong năm nay chưa có thống kê nhưng có lẽ cũng không ít hơn. Một số nhà phân tích dự đoán năm nay nền kinh tế Thái Lan sẽ bị suy giảm nhiều hơn so với năm 1998, trong thời kỳ khủng hoảng tiền tệ, khi GDP giảm 7,6%. Ngân hàng Mizuho cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của quốc gia Đông Nam Á từ âm 6,3% xuống âm 7,5%.
Những người biểu tình khẳng định sẽ không dừng lại khi chưa có một “Thái Lan mới” và theo đó, kinh tế vẫn sẽ tiếp tục có thể đi theo vào bế tắc./.