Tổng thống Brazil Michel Temer đã tổ chức họp khẩn vào sáng 19/8 (theo giờ địa phương) trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực tăng cao khi ngày càng có nhiều người chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Venezuela.
Phía Venezuela cũng đã đề nghị các nước láng giềng đảm bảo an toàn cho các công dân nước này.
Tại Ecuador, những người Venezuela tuyệt vọng vẫn đang băng qua biên giới giữa hai nước bất chấp các quy định mới của nước sở tại.
Hôm 18/8, hàng trăm người đã bị mắc kẹt khi Ecuador chuẩn bị đưa ra những quy định mới đòi hỏi người Venezuela đi qua cửa ngõ Colombia phải có hộ chiếu hợp lệ thay vì chỉ có căn cước công dân như trước đây.
Hầu hết những người Venezuela đang di cư hướng xuống phía nam để đoàn tụ với các thành viên gia đình họ ở Peru và Chile.
Họ mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn trong bối cảnh khủng hoảng ở Venezuela chưa được cải thiện dẫn đến tình trạng làm phát tăng vọt và thiếu hụt lương thực, thuốc men.
Điều gì đã xảy ra ở biên giới Brazil-Venezuela?
Hôm 18/8, tại Pacaraima, Brazil, các cư dân địa phương đã tấn công, đốt phá một số trại của người di cư Venezuela vì giận dữ trước thông tin một chủ nhà hàng địa phương đã bị người tị nạn Venezuela đánh trọng thương.
Các cửa khẩu đường bộ phía bắc Brazil là điểm đến của đa phần người Venezuela di cư. Theo ước tính của cơ quan chức năng Brazil, mỗi ngày có khoảng 500 người Venezuela nhập cảnh vào nước này qua các cửa khẩu đường bộ. Trong quý 1/2018, có trên 50.000 người Venezuela đã tìm cách hợp thức hóa việc định cư tại Brazil, trong đó khoảng 35.000 người thông qua hình thức xin tị nạn.
Thành phố Boa Vista, thủ phủ bang Roraima, là nơi có số lượng người Venezuela đông nhất với khoảng 25.000 người.
Thị trấn Pacaraima của Colombia giáp với thị trấn Santa Elena de Uairen của Venezuela. Trong thời gian qua, hàng chục nghìn người đã tràn sang Colombia qua cửa khẩu Pacaraima để di cư ra nước ngoài.
Ác cảm với những người tị nạn tăng cao tỷ lệ thuận với số lượng người Venezuela di cư tới bang Roraima của Brazil trong những tháng gần đây.
Việc đón một lượng người di cư lớn như vậy đã khiến bang Roraima rơi vào tình trạng quá tải dịch vụ xã hội, gia tăng tội phạm, phát sinh nhiều bệnh dịch, và tư tưởng phản đối người nhập cư của dân địa phương.
Lực lượng an ninh vãn hồi trật tự ở Pacaraima. Ảnh: AFP. |
Vụ hỗn loạn ở Pacaraima đã nhanh chóng được lực lượng chức năng Brazil xử lý ổn thỏa. Tình hình ở thị trấn này đã yên bình trở lại vào ngày 19/8. Mặc dù vậy, Bộ an ninh công cộng của Brazil cho biết đã điều động 60 binh sĩ để hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong khu vực. Số quân này sẽ đến nơi trong ngày hôm nay (20/8).
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Venezuela đã ra thông cáo yêu cầu Bộ Ngoại giao Brazil có biện pháp đảm bảo an toàn, tài sản của người dân Venezuela tại Brazil sau vụ hỗn loạn trên. Caracas cho rằng người dân Venezuela là nạn nhân của những hành động bài ngoại và cần phải được bảo vệ.
Chuyện gì xảy ra ở Ecuador?
Các phóng viên cho biết, nhiều người di cư Venezuela đã bất chấp các quy định mới, chính thức có hiệu lực ngày 19/8, để vượt biên từ Colombia và Ecuador.
Cho đến trước ngày 19/8, hàng nghìn người Venezuela đã vượt biên đến Ecuador qua cửa ngõ Colombia chỉ với thẻ căn cước. Các quy định mới khiến nhiều người bị bất ngờ.
Giới chức Ecuador hôm qua (19/8) cho biết, trẻ em và trẻ vị thành niên vẫn có thể vào lãnh thổ nước này mà không cần hộ chiếu nếu đi cùng cha mẹ.
Trước đó, hôm 8/8, Ecuador đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại ba tỉnh do số lượng người di cư Venezuela vượt qua biên giới phía Bắc với Colombia tăng cao bất thường.
Người di cư Venezuela. Ảnh: Reuters. |
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ecuador cho biết, chính phủ nước này đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp liên quan đến hoạt động di trú tại các tỉnh Carchi, Pichincha và El Oro để cung cấp sự chăm sóc khẩn cấp cho những người di cư Venezuela ở khu vực biên giới phía Bắc.
Những nước láng giềng khác của Venezuela nói gì?
Trước khả năng dòng chảy người di cư Venezuela có thể gây ra những căng thẳng trong khu vực, Chính phủ Peru đã thông báo yêu cầu bắt buộc người Venezuela nhập cảnh nước này phải có hộ chiếu từ ngày 25/8.
Hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cũng đã tuyên bố thắt chặt kiểm soát biên giới. Điều này dẫn tới việc nhiều trạm kiểm soát vùng biên của nước này rơi vào tình trạng quá tải khi người di cư Venezuela đổ xô tới làm thủ tục trước khi các biện pháp thắt chặt có hiệu lực./.Thương nhân lo phá sản khi Venezuela tăng lương tối thiểu 60 lần
Venezuela bắt tướng quân đội liên quan đến âm mưu ám sát Tổng thống