Trong một dấu hiệu cho thấy tình hình an ninh tại miền Đông Ukraine không ngừng xấu đi, các đoàn xe chở người di tản từ khu vực do phe đối lập kiểm soát này những ngày qua liên tục nối đuôi nhau sang Nga. 

Hầu hết người dân cho biết, việc sơ tán diễn ra nhanh chóng và thậm chí một số người không có đủ thời gian để đóng gói một số đồ đạc cần thiết: “Các trận pháo kích đã nổ ra gần ngôi làng của chúng tôi trong 2 ngày qua. Tôi sợ hãi cho lũ trẻ, cho cuộc sống của chúng, vì vậy tôi quyết định sơ tán.... Chính quyền thông báo sơ tán lúc 5h30 và lúc 6h một chiếc xe buýt đã đứng sẵn ở đó. Chúng tôi chỉ kịp mang theo bất kỳ thứ gì có thể.”

Người dân nơi đây những ngày qua luôn phải sống trong sự thấp thỏm và lo âu một cuộc xung đột lớn hơn khi phải chứng kiến liên tiếp các vụ pháo kích qua lại giữa quân đội Ukraine và các lực lượng đối lập. Cùng với đó là hoạt động dồn quân và triển khai khí tài của Nga và NATO đến sát biên giới. Các động thái diễn ra trong bối cảnh Nga đưa ra hàng loạt đề xuất an ninh với phương Tây, bao gồm: NATO phải cam kết không mở rộng liên minh về phía đông, không triển khai quân đội hoặc vũ khí tới các nước gia nhập khối sau năm 1997, hạn chế triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, chia sẻ thông tin nhiều hơn về các cuộc tập trận quân sự. Những yêu cầu này không mới, song theo Nga, tình hình đang trở nên cấp bách hơn lúc nào hết bởi chính an ninh của nước Nga đang bị đe dọa.

Đàm phán đã diễn ra trong suốt tháng vừa qua nhưng không đạt được tiến triển. Mỹ và NATO tuyên bố không chấp nhận đề xuất của Nga, song vẫn để ngỏ con đường đối thoại. Điện Elysee hôm qua (20/2) cho biết Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Joe Biden, đề xuất hai nhà lãnh đạo mở cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ bàn về tình hình Ukraine. Đề xuất đã được hai nhà lãnh đạo chấp thuận về mặt nguyên tắc. 

Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh: "Tình hình ở Donbas trong vài giờ qua rất đáng lo ngại. Rõ ràng đã có thương vong và suy nghĩ của tôi, trên hết, hướng về người dân và các gia đình bị ảnh hưởng. Những hành vi như thế này phải dừng lại, bởi rõ ràng chúng đi ngược lại các thỏa thuận đã cam kết.”

Chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” liên quan đến việc cho phép tranh chấp tiến triển đến mức gần như thảm họa trước khi một giải pháp đàm phán được xem xét. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, việc thiếu một giải pháp ngoại giao chắc chắn đang khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn và làm gia tăng nguy cơ giải pháp quân sự trở thành một lựa chọn để giải quyết tình hình. Trong bối cảnh này, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu hôm nay họp bất thường nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất mà châu Âu đang phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh Lạnh./.