Hãng tin Reuters ngày 26/5 dẫn lời Ngoại trưởng Bahrain Sheikh Khalid bin Ahmed al-Khalifa cho rằng, Qatar đang làm cho tình hình trở nên phức tạp khi đưa vấn đề này ra thảo luận với các đồng minh phương Tây, thay vì ngồi vào đàm phán giải quyết các nước trong khu vực vùng Vịnh.

qatar_gxip.jpg
Quang cảnh thủ đô Doha của Qatar. Ảnh minh họa: Sputnik.

Trong khi đó, các quan chức của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho rằng, Qatar vẫn chưa đáp ứng được 13 yêu cầu mà 4 quốc gia láng giềng vùng Vịnh đưa ra, trong đó bao gồm điều kiện phải đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera và giảm cấp độ quan hệ với Iran.

Cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh đang có nguy cơ nóng thêm, trong bối cảnh các nước trong khu vực vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp tẩy chay đối với Qatar. Ngược lại, Qatar cũng không có ý định nhân nhượng.

Hôm qua (26/5), Qatar đã ra chỉ thị yêu cầu các cửa hàng ở nước này loại bỏ các mặt hàng có nguồn gốc từ 4 nước gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập. Chính phủ Qatar cũng sẽ tìm cách ngăn chặn các mặt hàng của các nước này nhập khẩu vào nước này thông qua một nước thứ ba, trong đó có các sản phẩm làm từ bơ sữa của Saudi Arabia.

Văn phòng Truyền thông chính phủ của Qatar cho biết đây là biện pháp nhằm "đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng" và chính sách thương mại này phù hợp với tất cả các thỏa thuận song phương và đa phương.

Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ thương mại và du lịch với Qatar hồi tháng 6 năm ngoái với cáo buộc nước này đừng đằng sau Iran và hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố ở khu vực. Qatar bác bỏ những cáo buộc này và nói rằng việc tẩy chay của các nước trong khu vực là nhằm gây áp lực đối với chủ quyền và nỗ lực cải cách của nước này./.