Trong khuôn khổ chuyến thăm một loạt nước châu Âu, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/2 đã có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Cuộc gặp một lần nữa khẳng định quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pháp khi hai bên thể hiện sự thống nhất lập trường về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Mali.

Đề cao lẫn nhau

“Hoan nghênh” và “cám ơn” là những cụm từ mà Tổng thống Pháp Hollande và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần nhắc đến trong cuộc gặp với báo chí ngày 4/2 ở điện Elysee.

biden%20holland%20my%20phap%20vui%20ve%20copy.jpg
Hai chính trị gia Biden (trái) và Hollande tại buổi họp báo ở Paris hôm 4/2

Với chuyến thăm Pháp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Barack Obama tái đắc cử hồi cuối năm ngoái, Phó Tổng thống Biden đã hoan nghênh các lực lượng quân đội Pháp vì “hành động mang tính quyết định” tại Mali, vì “lòng dũng cảm” và “năng lực chiến đấu” .

Ông Biden nói: “Thay mặt Tổng thống Mỹ và nhân dân Mỹ, chúng tôi hoan nghênh các bạn vì hành động quyết định tại Mali và tôi cũng đánh giá cao lòng dũng cảm, cũng như năng lực của các lực lượng quân đội Pháp. Hành động mang tính quyết định của nước Pháp không chỉ vì lợi ích của đất nước các bạn, mà còn vì nước Mỹ và toàn thế giới.”

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Hollande lại bày tỏ biết ơn vì “sự ủng hộ chính trị, tài chính và hậu cần” của Mỹ.

“Tôi đánh giá cao sự ủng hộ của Mỹ đối với quyết định của Pháp thay mặt cộng đồng quốc tế can thiệp vào Mali. Sự ủng hộ của Mỹ là rất quan trọng cả về mặt chính trị, hậu cần và tài chính,” ông Hollande nói. “Và tôi xin cảm ơn các bạn vì điều này. Pháp sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình nhằm đảm bảo rằng Mali có thể tìm lại sự toàn vẹn lãnh thổ, sau đó sẽ chuyển giao sứ mệnh cho các lực lượng châu Phi và sau này là lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.”

Đôi bên cùng được lợi

Điều dễ nhận thấy tại cuộc gặp ngày 4/2 là những bất đồng giữa hai nước liên quan tới khả năng can thiệp vào Mali trước đây dường như đã biến mất và thay vào đó là sự nhất trí cao về mọi mặt.

Theo các nhà phân tích, đối với vấn đề Mali, có thể nói mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp là mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”. Người Mỹ tìm thấy lợi ích của mình trong vấn đề Mali bởi điều mà Pháp làm về mặt quân sự và tài chính là hoàn toàn phù hợp với chính sách quốc phòng mới của chính quyền Tổng thống Obama. Theo đó, Mỹ đang tìm cách hạn chế can thiệp trực tiếp vào các cuộc xung đột, song muốn châu Âu tham gia nhiều hơn “để chia sẻ gánh nặng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.” Trong khi đó, về phía Pháp họ cũng được lợi bởi sự ủng hộ của Phó Tổng thống Mỹ giúp chứng minh rằng, Pháp không đơn độc trong cuộc chiến tại Mali.

Liên quan tới các vấn đề khác được thảo luận trong cuộc gặp là cuộc khủng hoảng Syria, chương trình hạt nhân Iran hay cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, ông Biden và ông Hollande cũng thể hiện lập trường thống nhất. Theo các nhà phân tích, đây là một sự nhất trí “đáng hoan nghênh” trong bối cảnh Mỹ và đối tác thương mại hàng đầu của mình đang nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận tự do thương mại. /.