Ngày 10/3, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cảnh báo, Liên minh châu Âu sẽ không có tương lai và tiếp tục bị chia rẽ nếu các nước Balkan tự động đóng cửa biên giới. 

Thủ tướng Đức Angela thì cho rằng, việc đóng cửa biên giới không phải là giải pháp bền vững và sẽ đẩy Hy Lạp vào tình thế phải gánh chịu mọi gánh nặng khi người di cư tiếp tục dồn ứ và mắc kẹt trên biên giới Hy Lạp-Macedonia.

nguoi_di_cu_pzbb.jpg
Người di cư chờ đợi để được sang châu Âu. Ảnh AP

Giới chức Hy Lạp cho biết, hiện có gần 42.000 người xin tị nạn tại Hy Lạp, trong đó có 12.000 người đang mắc kẹt trên biên giới với Macedonia. Bất chấp các biện pháp kiểm soát biên giới của các nước Balkan, người di cư dường như không hề nản lòng, vẫn mạo hiểm tìm mọi cách vào châu Âu. 

Thủ tướng Merkel cho rằng, châu Âu cần một thỏa thuận toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm số người tị nạn vào châu Âu cũng như chấm dứt việc người di cư mạo hiểm mạng sống trên những chiếc xuồng cao su vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ để cập bến Hy Lạp, cửa ngõ để vào các nước châu Âu. 

Đức kì vọng dự thảo thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến hoàn tất vào ngày 17, 18/3 tới sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận lại toàn bộ người di cư trái phép vào Hy Lạp. 

Trước khả năng xảy ra tình trạng trục xuất ồ ạt người di cư theo thỏa thuận mới, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein kêu gọi Liên minh châu Âu đối xử nhân đạo với người di cư. 

“Tôi hối thúc Liên minh châu Âu sẽ có các biện pháp nhân đạo, tôn trọng nhân quyền hơn đối với người di cư tại Hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới. Luật quốc tế về bảo vệ nhân quyền không được gạt sang một bên. Việc trục xuất người di cư cần được thực hiện phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Cần tránh việc tạm giữ kéo dài”, ông al-Hussein nói. 

Sau lệnh đóng cửa của các nước Balkan, người di cư bị mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp-Macedonia vẫn quyết tâm tiếp tục hành trình để đến các quốc gia châu Âu giàu có hơn như Đức. Đối phó với kế hoạch trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ và lệnh đóng của tuyến đường Balkan, những kẻ buôn người đang tìm những ngả đường khác thay thế như đi qua Albania, Hungary, Bulgaria và Romania.   

Giới chức Tây Ban Nha đang liên lạc với Algeria và Morroco để ngăn chặn những tuyến đường mới được mở ra. Các quan chức Serbia cho biết, mỗi ngày có khoảng 150 người tìm cách đến Serbia thông qua Bulgaria và đã có những thông tin về tình trạng người di cư bị dân địa phương đánh đập hoặc bị cướp. 

Tại Albania, các băng đảng mafia đã tổ chức cho một nhóm 50 di dân vượt biên, trong khi những tuyến đường bí mật khác cũng đang được mở ra ở Hungary. Khi thời tiết ấm lên, người di cư có thể quay trở lại tuyến đường biển Địa Trung Hải, xuất phát từ Libya để đến Italy./.