Một tuyên bố mới đây của gia đình Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đang khiến dư luận xôn xao. Tuyên bố này cho biết, phu nhân Melania Trump cùng cậu con trai nhỏ Barron Trump (10 tuổi) sẽ không dọn vào Nhà Trắng cùng với chồng vào tháng 1/2017 tới.

Thay vào đó, bà Melania Trump vẫn sẽ ở cùng với con trai trong căn hộ của gia đình ở tòa tháp Trump tại Manhattan, New York, để Barron tiếp tục theo học ở trường Upper West Side. 

_92592304_71ceb2a7_3dfc_4be7_ad67_fe48499ed3ce_wzaa.jpg
Từ trái qua: Ông Donald Trump, con trai Barron Trump, bà Melania Trump. (ảnh: AFP).

BBC dẫn lời ông Donald Trump cho biết thêm, bà Trump cùng con trai sẽ chuyển vào Nhà Trắng ngay sau khi cậu bé hoàn thành việc học. Tuy nhiên, ông không nói rõ thời điểm cụ thể là bao giờ.

Dư luận xôn xao

Quyết định này của gia đình ông Trump gây ra sự ngạc nhiên lớn cho nhiều người. Có một vài ý kiến không đồng tình với quyết định nói trên vì cho rằng, việc cả gia đình Tổng thống Mỹ ở trong Nhà Trắng là điều hiển nhiên bao năm nay, và là một biểu tượng của nước Mỹ.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến bảo vệ bà Trump. Một nguồn tin thân cận với gia đình tỷ phú Trump cho biết, bà Melania sẽ chuyển tới Nhà Trắng khi cần, nhưng mối quan tâm hàng đầu của bà là bé Barron.

Nguồn tin này cho biết thêm, bà Melania luôn ủng hộ chồng và sẵn sàng đảm nhận mọi trách nhiệm của một Đệ nhất Phu nhân sau khi chồng bà chính thức nhận chức. Tuy nhiên, bà không muốn để cậu con trai 10 tuổi của mình bị gián đoạn việc học. 

Một tài khoản trên mạng Twitter viết: “Thật là tốt. Đây là điều mà một bậc phụ huynh có trách nhiệm cần phải làm đối với một đứa bé ở độ tuổi như Barron”.

Trong lịch sử nước Mỹ, chỉ có 2 trường hợp không chuyển vào Nhà Trắng đó là: Đệ nhất Phu nhân Martha Washington và Đệ nhất Phu nhân Anna Harrison.

Cố Tổng thống George Washington và vợ Martha Washington không sống ở Nhà Trắng vì lúc đó nó chưa được xây dựng.

Còn trường hợp của bà Anna Harrison không tới Nhà Trắng do chồng bà, Tổng thống thứ 9 của Mỹ William Henry Harrison, qua đời một tháng sau khi nhậm chức. 

Những trường hợp khác

Hầu hết các Đệ nhất Phu nhân đều chuyển vào Nhà Trắng sau khi chồng nhậm chức. Có những người sống ở Nhà Trắng trong suốt thời gian chồng họ giữ chức vụ, cũng có những người không dành toàn bộ thời gian của họ ở Nhà Trắng.

William Seale, một chuyên gia thuộc Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng cho biết, vợ của cố Tổng thống Mỹ Grover Cleveland, bà Frances Folsom Cleveland chỉ sống ở Nhà Trắng vào thời điểm cần xuất hiện trước truyền thông.

Cố Tổng thống Cleveland đã mua một căn nhà cho vợ mình ở. Bà Cleveland gọi tên căn nhà này là “Nhìn ra cây sồi” (Oak View) còn công chúng lại thường gọi tên căn nhà là “Mái đỏ” (Red Top). 

Bà Cleveland lấy ông Cleveland vào năm bà 21 tuổi, còn chồng bà đã 49 tuổi. Bà cũng là Đệ nhất Phu nhân duy nhất được tổ chức đám cưới trong Nhà Trắng.

Nhắc đến trường hợp của bà Melania Trump, ông Seale cho biết: “Tôi không cho rằng điều này có gì đáng ngạc nhiên”.

“Chẳng có gì bất thường ở đây khi bà Melania Trump muốn đứa trẻ của mình hoàn nốt thành chương trình học dang dở ở trường”, ông Seale nhận định.

Chuyên gia Seale cũng lấy dẫn chứng về trường hợp của cựu Tổng thống Mỹ John Tyler. Ông Tyler trở thành Tổng thống sau cái chết đột ngột của cố Tổng thống William Henry Harrison. Vì mọi việc quá gấp gáp, gia đình ông Tyler cũng không chuyển vào sống tại Nhà Trắng ngay sau khi ông Tyler nhậm chức.

Một trường hợp khác, Phu nhân của cựu Tổng thống James Madison, bà Dolley Madison cũng đã gửi cậu con trai của cuộc hôn nhân trước của bà, cậu Payne Todd, đến trường chứ không sống ở trong Nhà Trắng, ông Seale nói.

Melania Trump sẽ xoay xở thế nào?

Theo các phương tiện truyền thông của Mỹ, với bà Trump, bé Barron mới là ưu tiên hàng đầu của bà và mọi thứ khác là thứ nhì. Trong những cuộc phỏng vấn, bà Trump cũng đã thể hiện chính kiến rằng, bà không muốn tham gia quá sâu vào công việc chính trị của chồng, bà thích ở nhà và chăm sóc bé Barron hơn. 

Với bà Melania Trump, bé Barron mới là ưu tiên hàng đầu của bà. (ảnh: Getty).

Trước đây, vai trò của một Đệ nhất Phu nhân chỉ mang tính hình thức theo nghi lễ. Một Đệ nhất Phu nhân được xem là một bà chủ của Nhà Trắng, họ sẽ chỉ có nhiệm vụ tổ chức và tham gia vào các sự kiện có mặt hoặc không có mặt chồng của họ.

Tuy nhiên, thời nay, các Đệ nhất Phu nhân lại xuất hiện thường xuyên hơn trong các hoạt động xã hội. Đơn cử như trường hợp của đương kim Đệ nhất Phu nhân Barack Obama. Trong những năm qua, bà Obama là một nhân tố tích cực thúc đẩy các sáng kiến và các dự án giúp những cô gái trẻ trên toàn thế giới được đi học.

Từ thời kỳ của Tổng thống Kennedy, người dân Mỹ đã bắt đầu kỳ vọng nhiều hơn đối với vai trò của một Đệ nhất Phu nhân chứ không chỉ là một người vợ và người mẹ tốt, Jean Wahl Harris, nhà nghiên cứu tại Đại học Scranton nhận định.

Đồng quan điểm, ông Seale nói, Đệ nhất Phu nhân ngày nay đóng một vai trò quan trọng đối với bộ mặt của Nhà Trắng. Thậm chí, một Đệ nhất Phu nhân cũng có thể gây tác động đến công chúng đối với hình ảnh của một Tổng thống Mỹ.

“Nếu Tổng thống Mỹ là một biểu tượng thì Đệ nhất Phu nhân chính là một phần quan trọng của biểu tượng đó”, ông Seale nói.

Ông Seale đưa ra dẫn chứng, Đệ nhất Phu nhân Lou Henry Hoover, vợ của cựu Tổng thống Herbert Hoover, đã đóng một vai trò tích cực trong việc gây dựng hình ảnh của chồng.

Tương tự, Đệ nhất Phu nhân Nancy Reagan, ban đầu cũng có ý định chỉ tập trung vào cuộc sống cá nhân nhưng sau đó lại trở nên nổi tiếng với vai trò thúc đẩy tích cực các chiến dịch chống ma túy. 

Vậy trong trường hợp của bà Melania Trump, bà sẽ xoay xở thế nào khi chính thức trở thành một Đệ nhất Phu nhân nhưng không chuyển vào Nhà Trắng? 

BBC cho biết, Ivanka Trump - cô con gái đầu của ông Trump – cũng có thể sẽ là người đảm nhiệm những công việc xã hội thay mẹ kế. 

Ông Donald Trump và con gái Ivanka Trump. (ảnh: Shutterstock).

Trong quá khứ, con gái của cố Tổng thống Thomas Jefferson, Martha Jefferson Randolph cũng đã từng làm nhiệm vụ này thay cho mẹ của mình khi bà mất.

Hay như Angelica van Buren, con dâu của cựu Tổng thống Martin van Buren, cũng đảm nhiệm những vai trò xã hội tương tự như Đệ nhất Phu nhân khi vợ ông Martin van Buren qua đời.

Gần đây nhất là trường hợp của Chelsea Clinton, con gái của cựu Tổng thống Bill Clinton, đã thực hiện một số công việc thay cho Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ, khi bà Clinton đang bận bịu với sự nghiệp chính trị riêng của mình./.