Trước vấn đề cấp bách của biến đổi khí hậu, khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 76 đang chứng kiến các cam kết mạnh mẽ và tham vọng nhất của thế giới, hành động bảo vệ Trái đất trước khi quá muộn.
“Hồi chuông báo động về khí hậu đang vang lên ở mức cao độ. Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu là một mã màu đỏ cho nhân loại. Dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng xuất hiện ở mọi lục địa và khu vực” – đây là cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đưa ra tại Phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Không còn là những quốc đảo có nhiều nguy cơ hay các nước đang phát triển với hệ thống cảnh báo thiên tai yếu kém, biến đổi khí hậu đang tác động đến những nước phát triển nhất thế giới.
Bắc Bán cầu thời gian qua chịu tác động luân phiên của các đợt nóng, hạn, và mưa lớn. Quy mô của những trận lũ lụt ở Tây Âu mùa hè vừa qua cũng khiến giới khoa học không khỏi sốc khi biến đổi khí hậu vượt xa mọi ước tính, gây thiệt hại to lớn. Trong khi đó, là quốc gia rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris nhưng nước Mỹ thời gian gần đây liên tiếp hứng chịu các thảm họa thiên tai, khiến Tổng thống Mỹ Biden phải thừa nhận biến đổi khí hậu đã trở thành “cuộc khủng hoảng của tất cả mọi nhà” và đã đến lúc Mỹ phải nghiêm túc hơn trong đối phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Anh Johnson dự báo về một viễn cảnh tồi tệ cho thế giới nếu các nước không hành động khẩn cấp: “Nếu không có hành động khẩn cấp, nhiệt độ sẽ tăng khoảng 2,7 độ C trở lên vào cuối thế kỷ này. Điều đó sẽ khiến băng tan, sa mạc hóa, hạn hán, mất mùa, khi con người phải chứng kiến làn sóng di dân chưa từng thấy. Điều này không tự nhiên có được mà phải xuất phát từ những việc chúng ta đang làm”.
“Hành động trước khi quá muộn” là điều mà các nước đều khẳng định tại Khóa họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, với hàng loạt các cam kết cụ thể được đưa ra. Dẫn đầu trong những nỗ lực này phải nói đến Mỹ, với cam kết của Tổng thống Biden.
Chủ trì một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu, Tổng thống Biden cam kết sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu: “Vào tháng 4 tôi đã thông báo Mỹ sẽ tăng gấp đôi nguồn tài chính quốc tế để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Hôm nay, tôi tự hào thông báo rằng sẽ làm việc với Quốc hội để tăng gấp đôi con số đó một lần nữa, đưa Mỹ trở thành nước dẫn đầu về tài chính công khí hậu”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẽ chấm dứt ủng hộ các dự án sử dụng than đá ở nước ngoài. Đây là bước đi nhằm hạn chế đáng kể nguồn tài chính cho các nhà máy điện than ở các nước đang phát triển trong bối cảnh việc sử dụng than đá được xem là yếu tố làm gia tăng tình trạng trầm trọng của biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ nỗ lực đáp ứng mục tiêu trung hòa các-bon trước năm 2060. Điều này đòi hỏi những nỗ lực to lớn và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt mục tiêu này. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển nhằm phát triển nguồn năng lượng xanh và năng lượng ít carbon.
Những tác động của biến đổi khí hậu không chỉ là lời cảnh báo khi hiện tượng thời tiết bất thường, băng tan nhanh, cháy rừng lan rộng, lũ lụt, hạn hán cùng hiện tượng sa mạc hóa đang xuất hiện tại nhiều nơi. Điều này đòi các nước phải hành động ngay lập tức, trước khi quá muộn. Bởi theo Tổng thư ký LHQ “quỹ thời gian không còn nhiều”, còn với Thủ tướng Anh Johnson, thời điểm này là "cơ hội cuối cùng cho nhân loại".
Có thể nói, con đường tiến tới mục tiêu tham vọng trong Thỏa thuận khí hậu Paris còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng những cam kết cụ thể và sự đồng thuận của các quốc gia đưa ra tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang gửi đi những tín hiệu lạc quan trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới./.