Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố, “khả năng cao” ông sẽ ký sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận tại Quốc hội về khoản ngân quỹ cần thiết để xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Đây cũng là vấn đề gây bế tắc chính trường Mỹ và khiến chính phủ liên bang phải đóng cửa một phần trong suốt hơn 1 tháng, lâu nhất trong lịch sử “xứ cờ hoa”.

trump_zxcz.jpg
Tổng thống Trump tuyên bố, “khả năng cao” ông sẽ ký sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Ảnh: ABC News

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cảnh báo này không phải là mới, mà thậm chí ông còn nhắc đến rất nhiều lần trong những tuần qua. Tuy nhiên, bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa phe Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ vào thời điểm hiện nay lại làm gia tăng khả năng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đưa ra lựa chọn này, giúp ông thực hiện tham vọng của mình, mà không cần được Quốc hội thông qua.

Phát biểu tại một sự kiện được tổ chức tại Nhà trắng, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, không có bất kỳ bước tiến nào trong các cuộc đàm phán với các lãnh đạo phe Dân chủ, trong bối cảnh Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 31/1 một lần nữa khẳng định sẽ phản đối việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Theo Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, hiện nay đang có một sự cản trở vô cùng lớn từ phía các nghị sĩ Dân chủ và vì thế khả năng cao ông sẽ phải sử dụng đến sắc lệnh tình trạng khẩn cấp: “Chúng tôi sẽ cân nhắc việc ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia, bởi tôi không nghĩ rằng sẽ đạt được điều gì đó. Những người Dân chủ không muốn an ninh biên giới và tôi đã nghe thấy họ nói rằng, những bức tường như thế này là phi đạo đức và sẽ không mang lại hiệu quả”.

Tuy nhiên, một tiến trình đặc biệt như thế chắc chắn sẽ gây ra những xung đột về tư pháp và hiến pháp. Bởi Quốc hội có quyền phản bác mọi sắc lệnh khẩn cấp. Trong khi đó, tòa án cũng có quyền trong vấn đề này. Theo Nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Smith, Tổng thống sẽ phải đối mặt với câu hỏi của tòa án về lý do đưa ra tình trạng khẩn cấp này và mọi chuyện đối với nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không phải là dễ dàng.

Đươc thông qua năm 1976, luật quốc gia về tình trạng khẩn cấp cho phép Tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để kích  hoạt các quyền hạn đặc biệt được nêu trong các văn bản luật khác, song cũng đi kèm một số điều kiện khắt khe. Với một sắc lệnh trình trạng khẩn cấp đơn giản, Nhà trắng có thể tuyên bố thiết quân luật, hạn chế quyền tự do dân sự, trưng dụng tài sản tư nhân, huy động lực lượng Vệ binh quốc gia, tuyển quân,...

Trên thực tế, tất cả các đời Tổng thống Mỹ trước đây đều từng sử dụng quyền khẩn cấp và đa phần thường được sử dụng để trừng phạt các quốc gia khác như Venezuela hay Sudan, Zimbabwe. Đối với trường hợp bức tường biên giới với Mexico, Tổng thống Donlad Trump có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan tới vấn đề nhập cư bất hợp pháp tại biên giới với Mexico hay yêu cầu khoản ngân sách đặc biệt cho quân đội để thực hiện các dự án xây dựng quân sự. 

Trong lúc này, một ủy ban lưỡng đảng đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa hiệp về khoản ngân sách 5,7 tỷ USD theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump. Ủy ban này sẽ phải hoàn thành công việc của mình từ nay đến ngày 10/02 tới, tức là 5 ngày trước khi luật tài trợ cho chính quyền liên bang hoạt động trong 3 tuần kết thúc. Theo trích đoạn nội dung bài thông điệp liên bang dự kiến sẽ được trình bày vào ngày 5/2 tới, Tổng thống Donald Trump sẽ kêu gọi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ hợp tác nhằm chấm dứt hàng thập niên “tê liệt chính trị”./.