Đại diện các nước tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên Hợp Quốc (COP 19) tại Ba Lan, ngày 23/11 đã đạt được sự nhất trí về một số nguyên tắc chính mang “tính thỏa hiệp” cho một thỏa thuận mới để chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Các cuộc đàm phán theo kế hoạch kết thúc vào ngày 22/11 nhưng đã phải kéo dài thêm hơn 20 giờ do bất đồng về nhiều vấn đề. Theo kết quả đạt được tại hội nghị, các đoàn đàm phán đã đạt được sự nhất trí rằng tất cả các nước sẽ có “những đóng góp riêng” nhằm góp phần cắt giảm khí thải CO2.
Các đại biểu tham dự Hội nghị COP 19 (Ảnh Reuters) |
Đánh giá về kết quả hội nghị lần này, Phó Chủ tịch Ủy ban cải cách và phát triển Trung Quốc, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc tại hội nghị Biến đổi khí hậu, ông Tạ Chấn Hoa cho biết, kết quả của các cuộc đàm phán không thỏa mãn yêu cầu của nhiều nước tham dự, nhưng “có thể chấp nhận được”:
“Kết quả hội nghị còn nhiều vấn đề mà chúng tôi không hài lòng, nhưng đó là kết quả mà chúng tôi có thể chấp nhận. Điều mà chúng tôi không hài lòng đó là nhiều đề nghị của các nước đang phát triển vẫn chưa được đáp ứng. Đoàn đàm phán của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi với các nước khác nhằm đạt được kết quả tích cực vào năm 2015”, ông Hoa tuyên bố.
Ông Tạ Chấn Hoa cũng cho rằng, hội nghị lần này đã đặt nền móng rất tốt cho các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào năm sau tại Lima, Peru và hội nghị tại Paris, Pháp vào năm 2015.
Kết quả của hội nghị lần này góp phần tháo gỡ bế tắc giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển về vấn đề chia sẻ trách nhiệm trong việc hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vốn được cho là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng. Hội nghị cũng nhất trí tạo ra một cơ chế toàn cầu giúp các nước nghèo ứng phó với tình trạng thời thiết cực đoan.
Tuy nhiên, tại hội nghị, các nước giàu không đưa ra cam kết sẽ tăng thêm viện trợ cho các nước nghèo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.