Việc Johnson&Johnson xin cấp phép tiêm tăng cường vaccine ngừa Covid-19 diễn ra trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về tính hiệu quả của loại vaccine một liều của hãng này so với các loại vaccine đang được sử dụng ở Mỹ như Pfizer và Moderna. Theo một nghiên cứu được công bố tháng trước của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, vaccine của Johnson&Johnson có mức hiệu quả 71% trong việc ngăn ngừa nhập viện do Covid-19 trong khi mức hiệu quả cua Pfizer và Moderna lần lượt là 88% và 93%.
Giới lãnh đạo Johnson&Johnson cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy mũi tiêm bổ sung vaccine của hãng này có mức hiệu quả 94% trong việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuần trước thông báo sẽ triệu tập ủy ban chuyên gia cố vấn độc lập để thảo luận mũi tiêm tăng cường của Johnson&Johnson trong hai ngày 14/10 và 15/10. Mũi tiêm bổ sung của Moderna cũng sẽ được thảo luận trong hai ngày này.
Tháng trước FDA đã cấp phép cho mũi tiêm bổ sung của Pfizer cho người dân từ 65 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền với rủi ro nhiễm virus cao. Moderna hồi đầu tháng 9 thông báo bắt đầu trình dữ liệu ban đầu về mũi tiêm bổ sung của mình lên FDA./.