Với các điểm dừng chân là Đức, Pháp và Anh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không ngại ngần thông báo mục đích là tìm kiếm sự hợp tác với châu Âu về các giải pháp có thể “ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran”. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Iran đang lên đến đỉnh điểm, chuyến công du lần này được Thủ tướng Netanyahu kỳ vọng sẽ đạt được tiếng nói ủng hộ nào đó từ châu Âu.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters
Tất cả những mục tiêu trên đều đã được ông Netanyahu công khai tuyên bố trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Israel ngày 3/6 vừa qua, rằng Israel có 3 quan điểm không thể lay chuyển: Một, là không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân; hai là sẽ phong toả tất cả các kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông, đặc biệt tại Syria; và ba là Israel kiên quyết bảo lưu quyền được tự do hành động chống lại bất cứ sự hiện diện quân sự nào của Iran tại Syria.
Vì thế, trong chuyến đi đến Berlin, Paris và London, ông Netanyahu sẽ tìm mọi cách thuyết phục 3 nước Đức, Pháp và Anh thay đổi quan điểm về hồ sơ hạt nhân Iran, và từ bỏ việc bảo vệ thoả thuận P5+1 mà 3 nước này có tham gia ký kết với Iran năm 2015 để thay bằng một thoả thuận khác.
Đây là nhiệm vụ rất phức tạp bởi lẽ từ sau khi chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran 2015 thì 3 nước châu Âu hiện nay đang chính là những nước đứng ra bảo vệ mạnh mẽ nhất thoả thuận này.
Tuy thực tế là thế nhưng Israel vẫn buộc phải có các chuyến vận động ngoại giao cấp cao với châu Âu bởi nước này hiểu rằng 3 nước châu Âu là các cường quốc kinh tế, ngoại giao lớn và 2 trong số đó là Pháp và Anh là các Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có quyền phủ quyết mọi nghị quyết quan trọng của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, Israel cũng không muốn bị cô lập với Mỹ trong cuộc chiến chống lại các tham vọng của Iran.
Tất nhiên, mục đích của Israel trong chuyến công du của ông Netanyahu là thế nhưng liệu họ có đạt được không thì lại là chuyện khác bởi châu Âu vẫn đang thể hiện là rất quyết tâm bảo vệ thoả thuận hạt nhân Iran 2015.
Nhiệm vụ thuyết khách của ông Netanyahu tại châu Âu là rất nặng nề bởi không đơn giản để thuyết phục được cả 3 nước Anh, Pháp, Đức thay đổi hoàn toàn quan điểm của họ. Vì thế, việc châu Âu có nhượng bộ hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Israel sẽ mang “vũ khí” nào ra để thuyết phục, thương lượng và mặc cả với châu Âu. Hiện tại, Israel có 2 vũ khí chính.
Đầu tiên, là các hồ sơ mật mà Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) thu thập được liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Các hồ sơ này lên đến hàng trăm nghìn trang và được tình báo Israel thu thập trong nhiều năm, từ đầu những năm 2000. Nhiều chuyên gia tình báo cũng như cơ quan truyền thông phương Tây đã được cung cấp hồ sơ này, sau khi Israel công bố lần đầu tiên hôm 30/4 vừa qua, và nhiều chuyên gia nhận định, đây là tài liệu thật.
Trong tài liệu này có nhắc đến nhiều dự án bí mật của Iran trong việc làm giàu urani ở cấp độ quân sự chứ không chỉ là cấp độ năng lượng hay y tế. Vì thế, ông Netanyahu chắc chắn sẽ sử dụng các tài liệu này để thuyết phục châu Âu thay đổi quan điểm về Iran và chuyển sang hướng buộc Iran tuân thủ một thoả thuận mới khắt khe hơn.
Vũ khí ngoại giao thứ hai mà Israel có thể sử dụng là các lợi ích kinh tế. Châu Âu hiện đang đối mặt với các rủi ro thiệt hại lớn về kinh tế khi cố bảo vệ thoả thuận hạt nhân Iran. Rủi ro này không chỉ đến từ các đòn trừng phạt kinh tế mà Mỹ nhằm vào Iran mà còn từ một quốc gia dầu mỏ rất hùng mạnh khác là Saudi Arabia.
Hiện nay ba nước Mỹ-Israel-Saudi Arabia đã liên kết thành một trục nhằm bao vây Iran và cách đây vài ngày, Saudi Arabia đã quyết định loại các công ty Đức ra khỏi các gói mời thầu tại nước này. Đây có thể xem là thông điệp rất rõ từ trục Mỹ-Israel-Saudi Arbia rằng, nếu châu Âu vẫn bảo vệ Iran thì thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn. Chắc chắn Israel sẽ dùng đến lập luận này để thuyết phục các nước châu Âu nhượng bộ.
Trước mắt, khó có khả năng châu Âu ngay lập tức thay đổi quan điểm trong việc bảo vệ thoả thuận hạt nhân Iran bởi lẽ thoả thuận này là công sức ngoại giao của nhiều nước châu Âu trong thời gian dài và hiện tại thì châu Âu đang có lợi ích an ninh cũng như lợi ích kinh tế lớn gắn chặt với thoả thuận này.
Ngoài ra, nếu ngay lập tức thay đổi quan điểm vào lúc này, có thể xem như châu Âu gánh chịu một thất bại chính trị lớn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tham vọng của khối này trong việc thực thi các chính sách đối ngoại và an ninh tự chủ và độc lập hơn với Mỹ.
Tuy nhiên, về lâu dài châu Âu sẽ khó có thể duy trì thế đối đầu trực diện với nước Mỹ đồng minh bởi như thế sẽ tổn hại cả về kinh tế lẫn an ninh. Trên thực tế thì chính quyền Mỹ đang để ngỏ một khoảng thời gian khoảng 3-6 tháng trước khi áp dụng toàn diện các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và các công ty của các nước làm ăn với Iran.
Vì thế, trong giai đoạn vài tháng tới, có lẽ châu Âu sẽ thực thi các nỗ lực ngoại giao quy mô lớn nhằm tìm một giải pháp dung hoà, trên cơ sở duy trì tối đa nội dung thoả thuận cũ, đồng thời có thể đề cập khả năng thương lượng thêm một vài điều khoản mới nhằm thoả mãn các nước Mỹ, Israel và Saudi Arabia.
Tuy nhiên, tất cả những điều này đều chỉ đang tồn tại ở dạng các kịch bản chứ chưa có phương hướng nào thực sự rõ rệt, bởi đã gần 1 tháng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran, hồ sơ hạt nhân này vẫn đang bế tắc nghiêm trọng./.
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vùng Vịnh đã rối càng thêm rối