Với trọng tâm của chuyến thăm xoay quanh vấn đề Iran, nhà lãnh đạo Israel đang muốn thử sức thêm một lần nữa để thuyết phục các nhà lãnh đạo Châu Âu thay đổi quan điểm về thỏa thuận hạt nhân Iran. Liệu lần thử sức này của Thủ tướng Israel có thành công hay không, khi mà các nhà lãnh đạo Châu Âu đến nay vẫn luôn ủng hộ thỏa thuận “lịch sử” này, với những lợi ích kinh tế gắn liền.  

thu_tuong_israel_mbam.jpg
Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: AP.

Phát biểu trước khi lên đường công du các nước Châu Âu, Thủ tướng Netanyahu hôm 3/6 khẳng định, nước này sẽ không bao giờ chấp nhận chương trình hạt nhân của Iran và sự can thiệp quân sự của quốc gia “cựu thù” này tại bất cứ nơi đâu ở Syria. Ông Netanyahu cho rằng, đây là vấn đề “rất quan trọng” đối với an ninh quốc gia Israel.

Dự kiến, tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút lui hay sự gia tăng ảnh hưởng của Iran tại khu vực sẽ là nội dung chính của các cuộc đàm phán riêng rẽ lần lượt giữa ông Netanyahu với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May.

Ba quốc gia mà ông Netanyahu đến thăm lần này là 3 quốc gia đã tham gia ký trực tiếp thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015. Và cho đến thời điểm hiện tại thì 3 nước Châu Âu này vẫn cam kết duy trì thỏa thuận “lịch sử” bất chấp các sức ép đến từ đồng minh Mỹ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel đã bác bỏ sự “khăng khăng” của Châu Âu, rằng thỏa thuận sẽ giúp ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân quân sự. Ngược lại, giống với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Netanyahu cho rằng, thỏa thuận sẽ giúp Iran tiến gần hơn “tới quả bom hạt nhân” nhờ những thành quả về kinh tế. Israel luôn hoan nghênh chính sách của Mỹ buộc Iran phải thay đổi “sâu rộng”, từ bỏ hạt nhân và rút quân khỏi Syria hoặc không sẽ bị trừng phạt.

Ông Netanyahu nói: “Chúng tôi tin rằng đây là chính sách phù hợp. Chúng tôi tin rằng đó là chính sách duy nhất và cuối cùng để có thể đảm bảo an ninh cho Trung Đông và hòa bình trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia đi theo hướng dẫn của Mỹ trong vấn đề này vì Iran là một lực lượng hung hăng”.

Thêm vào đó, Israel cũng lo ngại, Iran sẽ dùng dòng tiền có được từ việc dỡ bỏ trừng phạt để mở rộng các hoạt động tại khu vực. Tại Syria, dù Iran mới đây đã rút quân khỏi miền Nam quốc gia Trung Đông này, tiếp giáp khu vực biên giới với Israel, để nhường quyền kiểm soát cho quân đội chính phủ Syria thì Israel vẫn chưa thể hài lòng và không khỏi lo lắng. Israel muốn Iran phải rút tất cả quân đội ra khỏi Syria.Về vấn đề này, các nước Châu Âu cũng đã có những tuyên bố thông cảm đối với đồng minh Israel.

Tuy nhiên, đối với những diễn biến gần đây tại Gaza, Châu Âu đã không thể ủng hộ. Bằng việc bỏ phiếu trắng đối với dự thảo Nghị Quyết của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc lên án các hành động chống lại Israel tại Gaza hôm 1/6 vừa qua, Châu Âu đã bày tỏ một quan điểm ủng hộ Palextin trong xung đột với Israel. Những vụ “thẳng tay” chĩa súng bắn vào người biểu tình từ tháng 3 đến nay, khiến hơn 100 người thiệt mạng luôn bị các quốc gia Châu Âu lên án.

Hiện Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Macron hay Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đang chờ đợi những lời thuyết phục từ nhà lãnh đạo Israel trong chuyến thăm lần này. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các cuộc đàm phán khó có thể mang lại sự đột phá lớn trong vấn đề hạt nhân Iran cũng như tiến trình hòa bình Trung Đông./.