Hãng Thông tấn Nhà nước Syria (Sana) cho biết, sáng 5/5, Israel tiếp tục không kích một trung tâm nghiên cứu gần thủ đô Damascus. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần thứ 2 Israel không kích vào các mục tiêu tại Syria trong 3 ngày qua, báo hiệu sự can dự sâu hơn của Israel vào cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua tại Syria, cũng như mở màn cho các hoạt động quân sự nước ngoài đầu tiên tại  quốc gia Trung Đông này.

tin%20syria12.jpg
Các vệ sĩ trẻ tuổi vây quanh Tổng thống Syria. (ảnh: AP)

Theo Sana, vụ nổ xảy ra tại trung tâm nghiên cứu Jamraya gần thủ đô Damascus gây một số thiệt hại. Vụ không kích đầu tiên của Israel vào tháng 1 vừa qua cũng nhằm vào trung tâm nghiên cứu này. Vụ không kích diễn ra sau khi 1 quan chức Israel giấu tên xác nhận nước này đã tiến hành  vụ tấn công Syria hôm 3/5, nhằm vào một chuyến hàng vận chuyển tên lửa cho nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon.

Israel từng tuyên bố đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để ngăn chặn nguy cơ các vũ khí tối tân của Syria, trong đó có kho vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad rơi vào tay Hezbollah.

Chính phủ Israel hiện chưa đưa ra bình luận về vụ không kích mới hôm nay (5/5).

Tại Mỹ, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin liên quan đến vụ không kích mới. Trước đó, Tổng thống Mỹ B.Obama cho rằng, Israel có quyền chính đáng để ngăn chặn việc chuyển vũ khí cho các tổ chức khủng bố như Hezbollah. Hiện Mỹ đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Israel.

Với cuộc không kích lần thứ 2 vào Syria trong 3 ngày qua, Israel dường như đang thực hiện “đường ranh giới đỏ” của riêng mình với mục tiêu không cho phép vũ khí hóa học rơi vào tay nhóm vũ trang Hezbollah, trong khi các cường quốc vẫn chia rẽ về một hoạt động quân sự tại Syria. Các cuộc không kích này có thể khiến lực lượng quân sự hùng mạnh nhất khu vực Israel bị kéo vào cuộc nội chiến Syria và châm ngòi cho một cuộc chiến rộng hơn trong khu vực.

Cuộc chiến tại Syria kéo dài 2 năm qua đã tràn sang Thổ Nhĩ Kì, Lebanon, Iraq, Jordan với hàng triệu người Syria tị nạn tại các nước láng giềng. Israel luôn nói rằng muốn ở bên ngoài cuộc nội chiến tại Syria, nhưng với chính sách phòng vệ và ngăn chặn vũ khí từ Syria rơi vào tay các nhóm vũ trang, Israel cũng đang “tình cờ” can dự sâu hơn vào cuộc chiến này. Dư luận đang lo ngại rằng, các cuộc không kích này có thể dẫn đến leo thang trong khu vực với sự  trả đũa của Phong trào Hezbollah, chính phủ Syria và thậm chí là cả các đồng minh của Syria trong khu vực.

Tổng thống Mỹ gần đây cũng đề cập đến việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là đường “ranh giới đỏ” để chính quyền Mỹ cân nhắc các lựa chọn, bao gồm biện pháp quân sự. Tuy nhiên, ông Obama cho rằng vẫn cần thêm bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và tham vấn thêm với cộng đồng quốc tế. Ông Obama nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm thêm bằng chứng về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Sau đó chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác quốc tế vì đây không chỉ là vấn đề của riêng người Mỹ mà còn là vấn đề của cả thế giới. Có những nguyên tắc, qui chuẩn quốc tế và khi vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria, cả thế giới nên quan tâm tới điều này”.

Mỹ dường như cũng đang thực hiện những nỗ lực ngoại giao cuối cùng trước khi đưa ra một quyết định cứng rắn về Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến có chuyến thăm Nga tuần tới nhằm cố gắng thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ hoặc ít nhất là không bỏ phiếu phủ quyết đối với những nỗ lực của LHQ về Syria, nếu Tổng thống Syria không bắt đầu các cuộc đối thoại chuyển giao chính trị với lực lượng đối lập./.