Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lấy thành phố cảng Sirte của Syria làm sào huyệt. Đây thực sự là địa bàn lí tưởng trong việc thâu tóm các mỏ dầu lửa, làm nguồn tài chính để tiến hành các kế hoạch khủng bố.
Theo tình báo Libya, kể từ khi tuyên bố có mặt tại Sirte vào tháng 2 năm nay, IS từ một băng nhóm chỉ 200 tay súng đã nhanh chóng tăng lên gần 5.000 thành viên, hoạt động có tổ chức và nhận chỉ thị trực tiếp từ các thủ lĩnh hàng đầu IS ở Syria.
Tổ chức khủng bố IS chuyển hướng sang Libya. (ảnh: AP). |
Thành phố Sirte bên bờ Địa Trung Hải, chỉ ngăn cách Italy bằng biển Địa Trung Hải, đang trở thành căn cứ địa đầu tiên mà IS thiết lập bên ngoài Syria, Iraq.
Tận dụng tình trạng hỗn loạn ở Libya sau khi chính phủ của nhà lãnh đạo Gaddafi sụp đổ, IS thiết lập kiểm soát Sirte và các vùng lân cận. Các nhóm quân sự từng thề chống IS giờ đây đã rút lui vì không đủ vũ khí và sự hỗ trợ cần thiết, để mặc cho IS hoành hành.
Trong bối cảnh Libya hỗn loạn, 2 phe phái chính tranh giành quyền lực với sự xuất hiện đồng thời 2 chính phủ, 2 quốc hội đối lập nhau, IS dễ bề hoạt động, từ việc xây dựng căn cứ địa, tuyển thêm người, tăng nguồn thu tài chính từ các mỏ dầu. Thậm chí IS còn thi hành luật Hồi giáo hà khắc tại Sirte, buộc phụ nữ đeo mạng, cấm bán đĩa nhạc và thuốc lá, đóng cửa các cửa hàng trong giờ cầu nguyện…
Hoạt động của IS đã khiến các nước láng giềng phải báo động. Tuần trước, Tunisia phải đóng cửa biên giới với Libya trong 15 ngày, sau khi IS nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết nhằm vào xe bus chở đội cận vệ của Tổng thống ở thủ đô Tunis làm 12 người chết.
Tunisia cũng xây dựng bức tường an ninh dọc 1/3 đường biên giới với Libya để ngăn chặn các tay súng cự đoan di chuyển giữa 2 nước.
Tuần trước, tại cuộc gặp với Thủ tướng Italy Renzi ở Paris, Tổng thống Pháp Hollande cảnh báo châu Âu hướng chú ý tới sự trỗi dậy của IS tại Libya: “Tại Libya, chúng ta cần giải quyết vấn đề được mong đợi từ lâu. Đó là phải thiết lập chính phủ đoàn kết dân tộc, quản lí được toàn bộ lãnh thổ. Qua đó mới có thể ngăn chặn IS xây dựng nền móng và bành trướng hoạt động tại đó”.
Giới chức Libya cho biết, không lâu nữa, IS sẽ chiếm thêm các mỏ dầu và cơ sở lọc dầu quanh khu vực Sirte, tạo nguồn tài chính vững chắc để tiến hành các vụ tấn công ở Trung Đông và châu Âu.
Sirte là cửa ngõ dẫn tới một số khu khai thác dầu và lọc dầu ở phía đông. Không phải bây giờ phương Tây mới báo động về sự có mặt cuả IS ở Libya.
Gần 1 năm nay, Mỹ và châu Âu đã nêu mối đe dọa của IS để thúc ép các phe phái ở Libya đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực, thành lập chính phủ đoàn kết để tập trung sức mạnh chống các nhóm khủng bố như IS nhưng đến nay, bất chấp dự thảo thỏa thuận hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ công bố vào tháng 10 vừa qua, chưa bên nào tỏ ra sẵn sàng thực hiện.
Tân Đại sứ Liên Hợp Quốc tại Libya Martin Kobler thừa nhận, khi Libya ở trong tình trạng chia rẽ chính trị thì đó là cơ hội vàng cho IS hoạt động.
Những tuần gần đây IS thậm chí đang kêu gọi các chiến binh mới được tuyển mộ đến Libya, thay vì Syria và những thủ lĩnh quân sự của IS còn cho hồi hương một số tay súng gốc Libya đang hoạt động ở Iraq, Syria, nhằm tránh sự oanh tạc của máy bay nước ngoài.
IS đã coi Sirte là căn cứ quan trọng, không kém gì Raqqa, thành phố ở Syria được IS xưng là đại bản doanh./.