Tuần ngoại giao Marathon của Tổng thống Pháp
Theo lịch trình, Tổng thống Pháp Francois Hollande đang có một tuần ngoại giao cấp cao quan trọng và bận rộn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Hôm thứ Hai đầu tuần, ông Hollande tiếp Thủ tướng Anh David Cameron tại Paris, hôm thứ Ba diện kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington, hôm nay đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Paris và ngày mai sẽ bay sang Moscow để hội kiến Tổng thống Nga, Vladimir Putin. Cuối tuần, ông Hollande lại tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris trước thềm COP 21.
Chủ đề quan trọng nhất trong tất cả các cuộc gặp này là cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS (mà Pháp gọi là tổ chức Daesh), những kẻ đứng sau vụ khủng bố đẫm máu khiến 130 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương tại Paris hôm 13/11.
Hình ảnh chiến đấu cơ Su-24 của Nga lao xuống đất sau khi bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn. |
Pháp phải thay đổi căn bản chính sách đối ngoại với Syria
Vụ khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Pháp đã buộc Paris phải hành động và thay đổi căn bản chính sách đối ngoại của mình tại Syria. Bên cạnh việc đáp trả dữ dội bằng quân sự, Pháp đang đi kết nối tất cả các lực lượng có lợi ích tại Syria để lập nên liên minh duy nhất chống IS, trong đó quan trọng nhất là kéo Nga và liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu ngồi vào cùng nhau.
Để đạt được điều này, Paris đã có những thay đổi trong vấn đề liên quan đến vận mệnh chính trị của Tổng thổng Syria, Bashar al-Assad. Trước đây, Paris luôn không nhượng bộ trong việc đòi ông al-Assad phải ra đi thì mới tính đến các phương án chính trị cho Syria. Điều này đẩy Paris và Moscow vào thế đối đầu bởi Nga là bên bảo trợ mạnh nhất cho ông Assad.
Tuy nhiên, sau ngày 13/11, Pháp đã công khai kêu gọi lập nên liên minh duy nhất có cả sự góp mặt của Nga và không còn đưa sự ra đi của ông Assad ra làm điều kiện tiên quyết. Tại Washington, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Hollande tuy vẫn tuyên bố coi al- Assad là nguyên nhân gây ra khủng hoảng ở Syria nhưng chỉ kêu gọi Nga “xem xét lại” vai trò của ông Assad, chứ không bằng mọi giá bắt ông Assad phải từ bỏ quyền lực. Những tín hiệu này đã được đón nhận một cách tích cực từ phía Moscow.
Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa nỗ lực của Pháp
Tuy nhiên, lộ trình đang đi theo tính toán của Pháp và các nước phương Tây có thể sẽ bị cắt ngang vì sự cố máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga hôm 23/11.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ hạ máy bay Su-24 của Nga với lí do xâm phạm không phận là lần đầu tiên kể từ thập niên 50, một nước thành viên NATO bắn hạ một máy bay quân sự của Liên Xô hay Nga. Căng thẳng đã lập tức leo thang do những nghi ngại hai bên có thể trả đũa lẫn nhau và xung đột sẽ bùng phát ở quy mô cao hơn.
Điểm mấu chốt của vấn đề là Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO nên nếu mâu thuẫn Nga-Thổ bùng nổ thành xung đột quân sự thì NATO sẽ buộc phải can thiệp do điều 5 trong Hiến chương của Tổ chức quân sự này quy định một nước thành viên bị tấn công là cả khối bị tấn công.
Tuy nguy cơ Nga và NATO đụng độ quân sự trực tiếp - điều sẽ dẫn đến Thế chiến III, là rất thấp - nhưng quan hệ hai bên chắc chắn bị đầu độc và Mỹ, Pháp với tư cách là thành viên chủ chốt của NATO, sẽ rất khó bắt tay với Nga trong một liên minh chung chống lại IS.
Ankara ưu tiên các tính toán đối nội trong cuộc chiến chống IS
Vấn đề với Pháp, Mỹ vì thế là phải tìm cách hạ nhiệt mâu thuẫn giữa Nga và Thổ, đồng thời gây sức ép về chính trị với Ankara để nước này cam kết mạnh mẽ hơn trong việc tham gia vào cuộc chiến chống IS.
Từ trước đến nay, sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến này luôn bị nghi ngờ do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần mượn cớ đánh IS nhưng sau đó lại không kích những nhóm dân quân người Kurd ở Syria, những người đang trực tiếp chống IS. Các tính toán chính trị của Ankara bị xem là quá nặng về đối nội, do lo ngại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng người Kurd mang tư tưởng phục quốc nằm rải rác trên lãnh thổ Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn bị tố cáo là đã làm ngơ đối với nhiều hoạt động của IS, như buôn bán dầu hay tuyển mộ binh lính trên lãnh thổ của mình.
Cái khó của phương Tây trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Tuy nhiên, cái khó của phương Tây, đặc biệt các nước châu Âu như Pháp, là họ đang không có nhiều thứ để mặc cả hay gây sức ép với Ankara vào lúc này. Ngược lại, đây lại đang là thời điểm mà châu Âu cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn là Thổ Nhĩ Kỳ cần châu Âu.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận trên 2 triệu người tị nạn Syria trên lãnh thổ của mình và để ngăn chặn dòng người này đổ về châu Âu không thể kiểm soát, các nước châu Âu đang phải ra sức vỗ về Ankara.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 10 đã sang Ankara đưa ra một loạt những hứa hẹn cho Thổ Nhĩ Kỳ, từ việc EU cấp tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ xây khu định cư cho người tị nạn, dần dần bỏ visa cho người Thổ Nhĩ Kỳ vào EU và kể cả việc mở lại các cuộc đàm phán cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU vốn bị rất nhiều nước châu Âu phản đối gay gắt.
Vấn đề tị nạn, mà Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò then chốt, khiến châu Âu phải lệ thuộc vào Ankara và không đủ sức nặng gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải có những thay đổi lớn trong cuộc chiến chống IS.
Trong tình thế đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay SU-24 của Nga, với những toan tính chính trị rất rõ của nước này sau đó, càng khiến châu Âu, đặc biệt là Pháp và Mỹ bối rối.
Liên minh duy nhất để chống IS có nguy cơ lớn không thể thành lập nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi các tính toán riêng của mình và đối chọi trực diện với một nước Nga cũng đang rất muốn có các hành động thể hiện sức mạnh tại Syria./.