Trong một diễn biến mới nhất, ngày 23/11, các máy bay Pháp đã cất cánh từ tàu sân bay Charles de Gaulle đậu ở phía Đông Địa Trung Hải để tấn công các mục tiêu IS ở cả Syria và Iraq khiến cho không phận của cả 2 quốc gia này trở nên “chật chội” hơn bao giờ hết.
Một mục tiêu IS ở Sinjar (Iraq) bị máy bay Mỹ không kích. Ảnh AP |
Nhân dịp này,AFPcũng đã liệt kê sơ bộ các lực lượng đang tham gia cuộc chiến chống IS ở 2 quốc gia nói trên:
1. Quân đội Syria và Iraq:
Syria:Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), hiệnquân đội Syria có khoảng 178.000 binh sĩ. Con số này chỉ bằng một nửa so với trước khi cuộc nội chiến ở Syria diễn ra do rất nhiều binh sĩ Syria đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.
Hiện quân đội Syria đang phải dựa vào các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al- Assad với quân số tổng cộng khoảng từ 150.000-200.000.
Iraq:Theo IISS, hiện quân đội Iraq có khoảng 177.000 binh sĩ. Sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq vào năm 2003, Mỹ đã giải tán quân đội nước này, có quân số khoảng 450.000 và xây dựng một lực lượng quân đội mới. Tuy nhiên, lực lượng này đã thất bại khi phải đối mặt với IS vào tháng 6/2014.
Sau đó Washington và các đồng minh tìm cách hỗ trợ huấn luyện và xây dựng lại lực lượng quân đội Iraq. Đến tháng 9 năm nay, Iraq đã nhận được một số máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.
Hiện, quân đội Iraq phụ thuộc chủ yếu vào lực lượng người Hồi giáo dòng Shiite, trong đó có tổ chức Hashed al-Shaabi và một số tộc người Hồi giáo dòng Sunni.
2. Lực lượng người Kurd và các nhóm chiến binh:
Nhờ sự hỗ trợ từ các cuộc không kích do liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành nhằm vào IS, lực lượng người Kurd bao gồm: Các Đơn vị Phòng vệ người Kurd (YPG) ở Bắc và Đông Bắc Syria và các tay súng người Kurd ở phía Bắc Iraq đã nỗ lực chiến đấu bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi tay IS.
Lực lượng người Kurd ở Iraq tham gia huấn luyện chiến đấu chống IS. Ảnh AFP |
Trong khi đó, tại Syria, sau khi thất bại trong việc huấn luyện lực lượng đối lập ôn hòa, kể từ tháng 10, Mỹ đã đề nghị hỗ trợ thành lập một liên minh bao gồm các tay súng của YPG và các nhóm chiến binh khác mang tên Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Ngoài ra, ở Syria còn tồn tại các lực lượng vũ trang đối lập được hình thành từ rất nhiều phe phái, trong đó bao gồm cả những nhóm phiến quân Hồi giáo như nhóm Ahrar al-Sham hùng mạnh ở phía Bắc và Tây Bắc Syria, nhóm Quân đội Hồi giáo gần Damascus và nhóm Mặt trận miền Nam ở tỉnh Daraa.
Các nhóm này đôi khi cũng liên kết với tổ chức Mặt trận al-Nusra được coi là chi nhánh của al-Quaeda của Iraq vốn là "kình địch” của IS.
3. Các lực lượng nước ngoài:
Liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích IS ở Iraq từ tháng 9/2014 theo yêu cầu của Baghdad. Sau đó, liên quân này mở rộng sang Syria nhưng lại không chịu hợp tác với giới chức nước này.
Thậm chí, liên quân này còn muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và thành lập một Chính phủ mới tại đây.
Liên quân này của Mỹ bao gồm 60 quốc gia, như Anh, Pháp, các nước Arab và Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tháng 9/2015, liên quân này còn có sự tham gia của Tunisia, Malaysia và Nigeria.
Dù loại bỏ hoàn toàn khả năng đưa bộ binh tham chiến chống IS nhưng liên quân đã cử một số quân nhân sang Iraq để huấn luyện binh sĩ tại đây.
Khoảng 12 nước thực sự tiến hành các vụ không kích nhằm vào IS. Cho đến nay, tổng số các cuộc không kích đã lên đến con số 8.200 vụ, trong đó Mỹ tiến hành đến 4/5 các cuộc không kích nói trên.
Chỉ có 5 quốc gia là Mỹ, Pháp, Canada, Australia và Jordan là tiến hành các vụ không kích cả ở Syria và Iraq. Trong khi đó, Saudi Arabia, Bahrain, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ không kích ở Syria và Đan Mạch, Hà Lan và Anh chỉ không kích ở Iraq.
Mỹ- nước đang điều tàu sân bay USS Harry Truman đến Địa Trung Hải để tham gia vào cuộc chiến chống IS, đã cử 3.500 binh sĩ sang Iraq và khoảng 50 lính đặc nhiệm đến Syria. Tuy nhiên, các binh sĩ này sẽ không trực tiếp tham gia chiến đấu.
Pháp: Sau khi IS tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris đêm 13/11, Pháp đã tăng cường các cuộc không kích chống IS.
Tiêm kích Rafale của Pháp tấn công các mục tiêu IS. Ảnh AP |
Nước này đã điều động 3.500 binh sĩ và đưa tàu sân bay Charles de Gaulle chở thêm 26 máy bay chiến đấu- gấp đôi số lượng các máy bay chiến đấu đang tiến hành các cuộc không kích IS hiện nay- đến Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ: Quốc gia giáp biên giới với Syria này tiến hành cuộc không kích đầu tiên vào ngày 28/8 và cho phép Mỹ sử dụng căn cứ Không quân Incirlik của mình vào các cuộc không kích của IS.
Nga:Là đồng minh của Chính phủ Syria, Nga đã bắt đầu tiến hành các cuộc không kích ở Syria vào ngày 30/9 sau khi tăng cường sự hiện diện của mình tại quốc gia Trung Đông này cũng như xây dựng một căn cứ Không quân gần thị trấn Latakia ở Tây Bắc Syria trong vài tháng trước.
Hạm đội Hải quân Nga trên Biển Caspian cũng đã phóng hàng chục quả tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS.
Một quả tên lửa hành trình được Nga phóng từ tàu Hải quân trên Biển Caspian vào các vị trí của IS ở Syria. Ảnh TASS |
Bị Mỹ và các đồng minh cáo buộc tấn công vào phe đối lập ôn hòa tại Syria thay vì vào các mục tiêu IS, Nga đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.
Sau khi giới chức Nga chính thức xác nhận việc máy bay Nga bị rơi ở Ai Cập là do bị đánh bom và IS lên tiếng nhận trách nhiệm vụ này, Nga đã liên tục tăng cường các cuộc không kích của mình.
Iran:Quân đội Iran đã lên tiếng cam kết sẽ đưa khoảng 7.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia nước này đến Syria và một số lượng tương đương sang Iraq để chiến đấu chống IS.
Lebanon:Lựclượng Hezbollah đã cam kết đưa từ 5.000-8.000 chiến binh sang Syria để chiến đấu với quân Chính phủ của Syria./.