Lực lượng an ninh Iraq và người Kurd đang bắt đầu đẩy lùi được các tay súng cực đoan, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Những cuộc phản công gần đây làm dấy lên hy vọng rằng cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Iraq đang tiến gần đến một bước ngoặt.

iraq_army_jpg_1718483346_ypfj.jpgQuân đội Iraq tham gia chống IS (Ảnh AFP)

Những chiến thắng đó cũng cho thấy, dù có sự hỗ trợ của liên minh quốc tế, sự đoàn kết của các lực lượng ở Iraq mới là điểm mấu chốt tăng cường đáng kể sức mạnh của họ trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân này.

Lực lượng an ninh Iraq và các tay súng ủng hộ chính phủ vừa chiếm lại được các khu vực gần biên giới với Iran bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ nhiều tháng qua.

Chiến dịch ở tỉnh Diyala phía Đông Bắc thủ đô Baghdad ngày 23/11 là một phần trong hàng loạt bước tiến của quân đội Iraq và các lực lượng ủng hộ chính phủ trong những ngày gần đây.

Ngày 18/11, lực lượng an ninh Iraq đã giành lại được nhà máy lọc dầu Baiji lớn nhất nước này ở tỉnh Saladin, nằm cách thủ đô Baghdad 200km về phía Bắc. Đây là lần đầu tiên quân đội Iraq tiến vào Baiji sau 5 tháng nơi này bị các tay súng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bao vây.

Tuần trước, các lực lượng an ninh Iraq cũng đã giành lại quyền kiểm soát đập Adhaim, một trong những con đập lớn nhất Iraq, nằm giữa hai tỉnh miền Đông là Diyala và Salaheddin.

Nhà phân tích chính trị Salam al-Zubadi cho rằng, Iraq có được những chiến thắng này là nhờ vào việc củng cố lại mạng lưới tình báo cũng như sự tăng cường hợp tác giữa quân đội chính phủ trung ương và binh sĩ của khu tự trị người Kurd.

Ông Zubadi nhấn mạnh: “Những chiến thắng đó không bỗng nhiên đến với họ mà đây là kết quả của chiến lược thay đổi từ phỏng thủ sang phản công. Đằng sau đó còn có rất nhiều nguyên nhân mang tính nội bộ và khu vực. Thực tế, chính phủ mới của Iraq đã có sự tương tác mạnh mẽ về mặt ngoại giao với các nước trong khu vực.

Ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận mở biên giới với Iraq để cho các tay súng người Cuốc đi qua đây sang sĩria hỗ trợ những khu vực bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo bao vây. Hay việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thăm Iraq. Tất cả những động thái đó đã góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố của Iraq”.

Phát biểu trong chuyến thăm Jordan, Chủ tịch Quốc hội Iraq Salim al-Juburi cũng đã kêu gọi nước láng giềng hỗ trợ Iraq huấn luyện binh sĩ chiến đấu chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Bên cạnh đó, viện trợ của nước ngoài và các cuộc không kích hỗ trợ của liên minh quốc tế đã góp phần đáng kể giúp cán cân hỏa lực nghiêng hẳn về phía Iraq.

Tuy nhiên, phiến quân Nhà nước Hồi giáo vẫn nắm quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn của Iraq, bao gồm các thành phố chiến lược như Mosul, Tikrit, Fallujah.

Hiện quân đội Iraq và những lực lượng ủng hộ chính phủ vẫn giao tranh với các tay súng phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar.

Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi đã ra lệnh quân đội vũ trang cho người dân ở Anbar để hỗ trợ binh sĩ chiến đấu chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tại đây.

Ông Abadi cũng vừa phải chấp thuận để Mỹ viện trợ số vũ khí có giá trị từ 18 triệu đến 24 triệu USD cho các tay súng bộ lạc theo đạo Hồi dòng Sunni để họ chiến đấu chống lại nhóm phiến quân dòng Sunni tự xưng là Nhà nước Hồi giáo.

Đây là một quyết định khó khăn đối với ông Abadi bởi nó vấp phải sự phản đối kịch liệt từ cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite, trong đó có đảng Dawa và một số bộ trưởng trong Nội các theo dòng Shiite vốn luôn đối đầu với dòng Sunni.

 Những bước tiến gần đây của các lực lượng an ninh ở Iraq đã chứng minh phần nào lập luận của Mỹ rằng, chỉ có một Iraq đoàn kết mới có thể chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Sự đoàn kết này không thể thiếu cộng đồng người Sunni bởi đây chính là phòng tuyến đầu tiên ngăn chặn phiến quân Nhà nước Hồi giáo chiêu mộ thêm các tay súng cực đoan./.