Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã hủy chuyến thăm tới thăm Iran dự kiến diễn ra hôm nay (15/8) – một ngày sau chuyến thăm của ông tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Quyết định này của ông Haider al-Abadi  lập tức làm dấy lên nhiều tranh luận trái chiều, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa Iraq và Iran được cải thiện nhiều trong thời gian qua và hiện Iran đang nổi lên như một đối tác quan trọng của Iraq tại khu vực.

iraq_ybri.jpg
Iraq đang "mắc kẹt" giữa Mỹ và Iran. (Ảnh minh họa: PLO)

Có nhiều ý kiến đồn đoán rằng quyết định của Thủ tướng Haider al-Abadi là do sức ép từ phía Mỹ khi Mỹ đang cố gắng thiết lập "vòng kiềm tỏa" Iran thông qua các lệnh trừng phạt. 

Lý do chính thức Thủ tướng Haider al-Abadi hủy chuyến thăm Iran dự kiến vào ngày 15/8, đến thời điểm này được chính quyền Iraq đưa ra là do lịch trình bận rộn và thiếu chuẩn bị. Đây là một lý do mang tính ngoại giao.

Trong khi đó, Iran cho biết không có bất kỳ thông tin về chuyến thăm này và dư luận cho rằng dó là vì Iran giận giữ với các tuyên bố trước đó của ông Abadi liên quan tới các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Iran muốn có thêm thời gian để sắp xếp nội dung thảo luận với ông Abadi và cho rằng chuyến thăm không phải là cấp thiết. 

Trước đó, Thủ tướng al-Abadi đã bày tỏ sự không đồng tình với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran, song ông khẳng định Iraq vẫn sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt để bảo vệ lợi ích của đất nước.

Mới đây, ngày 13/8, ông al-Abadi lại tuyên bố rằng nước này sẽ chỉ tôn trọng lệnh cấm giao dịch bằng đồng USD với Iran chứ không phải toàn bộ các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt đối với Tehran. Chính sự thiếu nhất quán này của ông al-Abadi được xem là nguyên nhân chính khiến chuyến thăm bị hủy. 

Chính ông al-Abadi đã nói “ủng hộ các biện pháp trừng phạt là một lỗi chiến lược, nhưng trừng phạt là bất công” và ông đang làm tất cả vì lợi ích của người dân Iraq cũng như không muốn trở thành một phần của một chiến dịch không công bằng. Tuy nhiên, các đảng phái ở Iraq thân Iran đã lên án mạnh mẽ tuyên bố của ông al-Abadi và cho rằng đó là một thái độ không trung thành đối với đồng minh Iran trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Tiến thoãi lưỡng nan

Chính ông al-Ababi đã thừa nhận không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo lệnh cấm vận kinh tế Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một động thái khiến Tehran giận dữ. Để rồi tiếp đó ông phải xoa dịu bằng tuyên bố “Iraq sẽ chỉ tôn trọng lệnh cấm giao dịch bằng đồng USD với Iran chứ không phải toàn bộ các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt đối với Iran”.

Thực tế đây là một lựa chọn rất khó đối với chỉnh phủ của Thủ tướng Abadi khi mà chính phủ mới vẫn chưa thể thành lập sau cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua, ngay cả ghế Thủ tướng của ông cũng khó giữ, khi mà Iraq còn phụ thuộc rất lớn vào cả Mỹ lẫn nước láng giềng Iran, cuộc chiến chống khủng bố chưa có hồi kết, vấn đề người Kurd như quả bom nổ chậm...

Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt của Mỹ vào Iran  ảnh hưởng rất lớn đối với Iraq trên các cấp độ chính trị và kinh tế, an ninh. Trong khi chính phủ của Thủ tướng al-Abadi còn đang khó xử thì lực lượng đối lập và các đảng phái dòng Shiite khẳng định đứng về phía Tehran, lên án lệnh cấm vận của Mỹ chống lại Tehran và yêu cầu chính phủ Iraq ủng hộ Iran. Lực lượng này còn tuyên bố sẽ ủng hộ và trung thành tuyệt đối với Iran trong cuộc chiến với Mỹ.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, Thủ tướng al-Abadi đã tìm cách đưa ra một hình ảnh độc lập với Iran trong khi duy trì mối quan hệ thân thiện với nước này. Nhưng tuyên bố của ông al-Abadi vừa qua có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho chính ông hơn Iran khi ông đang trong quá trình cố gắng thành lập một chính phủ. 

Về kinh tế Iraq sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, nhất là khi Iraq được coi là "lá phổi thương mại” của Iran với trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2017 lên tới hơn 13 tỷ USD, trong đó Iraq nhập khẩu các sản phẩm Iran trị giá khoảng 6 tỷ đô la gồm hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, nguyên liệu, khí thiên nhiên và điện. 1/3 thị trường Iraq thuộc về hàng hóa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hầu hết các nhà phân tích chỉ ra rằng chính phủ Iraq không kiểm soát được nhiều đường biên giới trên đất liền hoặc đường biển và các lực lượng dân quân Shiite ủng hộ Iran có khả năng sẽ tiếp tục buôn bán với Tehran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Trong khi đó ông al-Abadi cũng cần sự ủng hộ của đồng minh Mỹ - người chống lưng cho ông và các đồng minh Ả-rập khác để có thể tiếp tục nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai. Ông cũng không muốn đưa các ngân hàng Iraq vào danh sách đen của Mỹ và ngừng việc bán dầu của Iraq, trong khi không thể trả các nghĩa vụ tài chính với bên ngoài và trong nước bao gồm tiền lương.

Mỹ cũng cần ông al-Abadi để có thể tiếp tục duy trì hơn 5.000 binh lính ở Iraq trong chiến dịch đánh bại IS. Đó là chưa kể Mỹ đã đề xuất thay thế hàng hóa của Iran bằng hàng hóa của Ảrập Xêút nhưng sẽ mất thời gian. Iraq cũng cần nguồn viện trợ của Mỹ.

Kể từ năm 2014, Washington đóng góp 265 triệu USD để tái thiết Iraq, trong khi riêng trong năm 2017 đã chi tới 150 triệu USD vào các thương vụ vũ khí cho nước này – đưa Baghdad trở thành một trong 10 nước hàng đầu mua vũ khí Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, căng thẳng Mỹ-Iran có thể đẩy Iraq vào một vòng xoáy hỗn loạn mới. Nội bộ Iraq vốn đang bất đồng sẽ chứng kiến phức tạp hơn bởi vì sự hiện diện của lực lượng ủng hộ Iran ngoài sự kiểm soát của chính phủ, đồng thời việc thành lập chính phủ mới sẽ càng khó khăn.Cạnh tranh của Mỹ và Iran tại Iraq.

Từng có ý kiến cho rằng, ảnh hưởng của Mỹ tại Iraq thời kỳ hậu IS đang bị lu mờ bởi Iran. Thực tế điều này phụ thuộc nhiều vào chính sách ưu tiên của Mỹ ở Trung Đông chứ không phải do sức chiến đấu suy giảm hay quan hệ của Mỹ Iraq. Sau những sa lầy, thất bại và tổn thất ở Iraq, chính quyền Donald Trump không muốn đi theo vết xe đổ. 

Trong 26 năm thực hiện các chính sách liên quan đến cuộc chiến Iraq, nước Mỹ đã phải trả giá đắt với khoảng 4.500 người Mỹ đã thiệt mạng và đã tiêu tốn hàng tỉ USD tiền thuế của dân Mỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ có quá nhiều mối quan tâm như cuộc chiến Syria, Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Ixrael và Palestine hơn là Iraq. Đó cũng là lý do khiến Iran nổi lên rõ hơn và cuộc chiến chống IS ở Iraq là chiến lược phòng thủ từ xa của Iran, cũng như mở rộng ảnh hưởng với nước láng giềng giàu dầu mỏ.

Có ba yếu tố chính mà Mỹ và Iran có thể gấy áp lực và ảnh hưởng đối với Iraq chính là kinh tế, chính trị và an ninh. Iraq đang một cổ hai chòng. Các nhà phân tích đã nói Iraq "phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Iran để duy trì quyền lực" và đã ví von ông al-Abadi "có thể ăn sáng với người Mỹ và ăn trưa với người Iran" cũng rất có thể là "nói với người Mỹ rằng ông ta sẽ tôn trọng các biện pháp trừng phạt" trong khi tuyên bố với người Iran rằng ông "có nghĩa vụ phải nói điều đó". Iraq đang cố gắng tiếp cận với các nước láng giềng của vùng Vịnh Sunni để đa dạng hoá các mối quan hệ chiến lược của mình.

Về chính trị, cả Mỹ và Iran đều có những ảnh hưởng nhất định và sẽ không có chính phủ ổn định nào có thể được thành lập nếu không có sự chấp thuận của hai nước. Trong khi Mỹ ủng hộ Thủ tướng al-Abadi thì Iran ủng hộ lực lượng Hồi giáo dòng Shiite, lực lượng người Kurd, ứng cử viên Maliki và ông Hadi al-Amiri. Ông al-Abadi cần sự hỗ trợ của cả Iran và Mỹ để giành được nhiệm kỳ thứ hai. Nhưng theo các chuyên gia, tất cả các dấu hiệu vừa qua cho thấy ông Abadi đã mất bất kỳ cơ hội để có được sự hỗ trợ của Iran.

Về kinh tế, Iraq đang phụ thuộc lớn vào hàng hóa từ Iran nhưng nó cũng không thể chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ bởi điều đó sẽ khiến Iraq mất cả viện trợ và có thể bị Mỹ trừng phạt kinh tế. Theo các chuyên gia, lựa chọn thông minh lúc này với Thủ tướng al-Abadi là chính sách linh hoạt để vừa lòng cả hai đồng minh. 

Về an ninh, cả Mỹ và Iran đều chung chích sách ủng hộ Iraq tiêu diệt IS và có sự hợp tác ngầm giữa hai nước trong vấn đề này. Nhưng trên thực tế Iraq thừa hiểu “nước xa không cứu được lửa gần” và càng hiểu rõ hơn những hậu quả mà Mỹ để lại sau hàng thập kỷ chiến tranh ở nước này. Đó là chưa kể tới Iran thân thiết và được nhiều đảng phái chính trị và người ngồi giáo dòng Shiite ở Iraq ủng hộ, cũng như cộng đồng người Kurd ở biên giới hai nước.

Trong cuộc chiến chống khủng bố, Iraq cũng cần có sự trợ giúp rất lớn của Iran. Nhưng Iraq cũng cần 100 tỉ USD để xây dựng lại các khu vực chủ yếu là người Sunni sinh sống - đã bị phá hủy và để giải quyết việc 2.8 triệu người Sunni phải di tản đến các khu vực khác tại Iraq. Người có thể hỗ trợ khoản tài chính này không ai khác ngoài Mỹ. Mỹ dường như không có ý định rút quân hoàn toàn ra khỏi Iraq nhưng cũng không muốn dấn sâu cuộc chiến này./.