Tuy mất hơn một nửa lãnh địa từng chiếm được ở Iraq nhưng IS vẫn kiểm soát 2 thành phố quan trọng là Mosul và Raqqa, những vị trí mang tính biểu tượng cho việc xây dựng "Vương quốc Hồi giáo ở trái tim Trung Đông" theo như tuyên bố của thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi.

mousl_duwt.jpg
Binh sĩ Iraq chuẩn bị chiến dịch tổng tấn công IS ở Mosul. Ảnh: AP

Những tuần gần đây, quân đội Iraq đã chiếm được căn cứ Qayyara và các vùng phụ cận dọc sông Tigris, cách Mosul 60km về hướng Nam, tạo bàn đạp cho chiến dịch giải phóng Mosul.

Quân đội Mỹ cho rằng, Iraq đang có những điều kiện “nhân hòa” để tái chiếm Mosul. Tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân tuyên bố, thời điểm cụ thể cho cuộc tấn công sẽ do Thủ tướng Haider al-Abadi quyết định, trong khi các chỉ huy Iraq muốn xuất quân vào nửa cuối tháng 10.

Các tướng lĩnh Iraq và liên quân do Mỹ đứng đầu đều nhận định, cuộc chiến ở Mosul sẽ rất khó khăn vì địa bàn đô thị, đông dân cư sẽ là rào cản về mặt quân sự. Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp hôm qua với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York cũng bày tỏ hi vọng vào kế hoạch tái chiếm Mosul.

“Đây sẽ là trận chiến đầy thử thách. Mosul là thành phố lớn, các tay súng IS đã ẩn náu rất sâu bên trong thành phố. Nhờ sự hợp tác giữa liên quân, lực lượng an ninh Iraq và sự phối hợp từ lực lượng người Kurd, chúng tôi tin tưởng chúng ta đang ở điều kiện tốt để tiến hành chiến dịch một cách nhanh chóng. Hy vọng cuối năm nay chúng ta sẽ chứng kiến tiến triển ở Mosul cùng những tiến bộ về mặt kinh tế và ổn định chính trị ở Iraq”, ông Obama nói.

Tổng thống Obama cũng tuyên bố sẽ đề nghị Quốc hội nước này và các nước đồng minh tăng viện trợ nhằm đẩy mạnh việc cứu trợ, tái thiết cho Iraq sau khi chiến dịch Mosul kết thúc. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang ở thăm Baghdad cũng thông báo một khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Iraq trị giá 181 triệu USD.

Binh sỹ Mỹ hiện đang thiết lập trung tâm hậu cần ở phía phía nam Mosul, trong khi Liên Hợp Quốc dự tính mở chiến dịch nhân đạo quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của khoảng 1 triệu người dự kiến tháo chạy khỏi thành phố.

Các nhà phân tích nhận định, chiến dịch cứu trợ sẽ rất phức tạp bởi dòng người di tản ra khỏi thành phố Mosul sẽ tỏa đi nhiều hướng, rất khó bao quát việc cấp lương thực, chỗ ở.

Chính phủ Iraq cũng thừa nhận vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng để ứng phó với một Mosul “vỡ trận” và lo ngại về công tác tái bố trí đóng quân cho các lực lượng tham gia chiến dịch nhằm tránh căng thẳng sắc tộc, giáo phái giữa binh sỹ với cư dân tại những khu vực đa sắc tộc gồm người Kurd, người Shiite và Sunni./.