Động thái của cả hai bên được cho là sẽ gây lực cản đối với cuộc đàm phán nhằm cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) dự kiến diễn ra vào ngày mai tại Vienna (Áo).
Ngày 13/4, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi đã có mặt tại Vienna, Áo để chuẩn bị cho cuộc đàm phán. Cuộc đàm phán này dự kiến diễn ra hôm nay (14/4), nhưng đã bị "hoãn một ngày" sang 15/4. Trong thông báo đưa ra trước cuộc đàm phán, ông Araqchi nhấn mạnh, Iran tin rằng, vòng đàm phán này là thời điểm để Mỹ tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Nếu không, sẽ rất lãng phí thời gian. Giới chức Iran đồng thời thông báo sẽ bắt đầu làm giàu uranium lên mức 60%.
“Chúng tôi đã gửi một lá thư tới Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thông báo sẽ bổ sung 1.000 máy ly tâm cho cơ sở hạt nhân Natanz. Chúng tôi cũng gửi thư thông báo, sẽ bắt đầu làm giàu urani lên mức 60%. Điều này xuất phát từ nhu cầu của Iran, phù hợp với cam kết trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”, ông Araqchi nói.
Sau thông báo của Iran, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố, Mỹ quan ngại về thông báo "mang tính khiêu khích" của Iran, song Mỹ sẽ vẫn nỗ lực đối với các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran: “Chúng tôi đang tập trung vào các cuộc thảo luận sắp tới tại Vienna. Các cuộc thảo luận ngoại giao đã và đang diễn ra. Chúng tôi dự đoán cuộc thảo luận sắp tới sẽ khó khăn và dai dẳng. Tuy vậy, chúng tôi sẽ không từ việc bỏ tham gia vào các cuộc đàm phán”
Trong khi đó, Pháp tuyên bố, động thái này của Iran là một diễn biến "nghiêm trọng" và cần một sự phối hợp giữa các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Các động thái trên diễn ra ngay trước khi các bên tiếp tục cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuần trước, tại thủ đô Vienna của Áo, các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân đã thảo luận những vấn đề liên quan đến việc tuân thủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện, vạch ra những nhiệm vụ tiếp theo, trong đó có việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Mặc dù cuộc gặp được đánh giá là mang tính xây dựng nhưng các bên chưa thể thống nhất được phía nào sẽ có động thái đầu tiên.
Trong khi phía Mỹ tỏ ra chừng mực khi một mặt kêu gọi Iran nên có cách tiếp cận thực dụng hơn, đồng thời đề xuất ý tưởng nghiêm túc nhằm cứu vãn thỏa thuận thì Iran tái khẳng định lập trường, loại trừ khả năng tham gia bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp nào với Mỹ, nếu Washington từ chối dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.
Giới quan sát nhận định, cuộc đàm phán lần này sẽ gặp nhiều chông gai và trắc trở thậm chí có thể lâm vào bế tắc khi trước đó các bên không chịu nhượng bộ và đáp ứng những yêu cầu của nhau. Quan trọng nhất, Iran và Mỹ - 2 “nhân vật chính” giữ vai trò tháo gỡ nút thắt, chưa thể đàm phán trực tiếp. Chính vì vậy, trong các cuộc đàm phán ngày mai, nếu muốn cuộc đàm phán thu được kết quả tích cực, các bên cần phải thể hiện quyết tâm chính trị cũng như các đối sách linh hoạt./.