Động thái này của các bên diễn ra khi các bên nối lại các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vốn bị Mỹ từ bỏ vào 3 năm trước.
Gọi động thái này là "khiêu khích", hôm 15/4, Mỹ và ba cường quốc châu Âu là Anh, Pháp và Đức cảnh báo Iran đi ngược lại với những nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện.
Ngoại trường Mỹ Antony Blinken cho rằng, quyết định nâng mức làm giàu urani của Iran làm dấy lên câu hỏi về sự nghiêm túc của Iran với cuộc đàm phán hạt nhân. Trong khi đó, Anh, Pháp và Đức - ba quốc gia thuộc nhóm P5+1 ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử đưa ra tuyên bố chung cho rằng, các động thái của Iran là "trái với tinh thần xây dựng và thiện chí thảo luận".
Tuyên bố chung nhấn mạnh, thông báo của Iran là đặc biệt đáng tiếc vì chúng được đưa ra vào thời điểm mà tất cả các bên tham gia thỏa thuận và Mỹ đã bắt đầu các cuộc thảo luận thực chất, với mục tiêu tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhanh chóng để làm mới và khôi phục thỏa thuận.
Về phần mình, lãnh tụ tối cao Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei chỉ trích rằng Mỹ đang cố gắng áp đặt các điều khoản có lợi cho mình trong quá trình đàm phán, trong khi châu Âu bị cho là đang "cúi đầu trước người Mỹ và không hành động độc lập". Ông Khamenei nhắc lại lập trường của Iran, yêu cầu các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ trước khi Iran thực hiện các cam kết với nhóm P5+1.
“Mỹ không chấp nhận sự thật trong các cuộc đàm phán. Mục tiêu của họ trong các cuộc đàm phán là áp đặt những mong muốn sai lầm của chính mình. Các nước châu Âu, trong một số cuộc họp riêng đã thừa nhận các quyền của Iran với đại diện của chúng tôi”.
Những tuyên bố này của các bên được đưa ra trong bối cảnh phái đoàn Iran vừa tổ chức các cuộc họp với đại diện Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức tại thủ đô Vienna của Áo, nhằm bàn về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và vấn đề hạt nhân của Iran. Sau 2 giờ đàm phán, bất chấp việc các cuộc tranh cãi nổ ra bên ngoài, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Ulyanov cho rằng, ấn tượng chung là các cuộc đàm phán diễn ra tích cực. Ông cho biết thêm sau vòng đàm phán mới nhất, quan chức các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện sẽ tiến hành một số cuộc họp không chính thức dưới các định dạng khác nhau, trong đó có cấp chuyên gia.
Trong khi đó, ông Vương Quân, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran nên loại bỏ những bất đồng và đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm đưa ra một thỏa thuận để Mỹ và Iran tiếp tục tuân thủ Kế hoạch hành động chung toàn diện. Tại cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp ở Viên, ông Vương Quân cũng kêu gọi Mỹ quay trở lại thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện ngay lập tức và vô điều kiện. Ông cho rằng Mỹ nên dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran và dựa trên cơ sở này, Iran nối lại việc thực thi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 một cách toàn diện.
Vòng đàm phán mới nhất diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những động thái gây căng thẳng mới liên quan đến chương trình hạt nhân Iran. Theo đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết, Iran đã gần hoàn tất quá trình chuẩn bị để bắt đầu làm giàu urani ở mức 60% tại cơ sở hạt nhân Natanz, đồng thời dự kiến bổ sung 1.024 máy ly tâm thế hệ đầu tiên IR-1 dưới lòng đất./.