Quan hệ của Iran với Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng khi quốc gia Hồi giáo này hôm qua lớn tiếng khẳng định sẽ không bao giờ tham gia các cuộc đàm phán không công bằng với Mỹ do bị đe dọa. Tuyên bố này được xem là phản ứng mạnh mẽ trước những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chỉ trước đó một ngày, nhấn mạnh Washington sẵn sàng "thực hiện một thỏa thuận thực sự" với Tehran.

trump_rouhani_mrgv.png
Mỹ-Iran dường như đang lao vào một cuộc khẩu chiến căng thẳng chưa từng có mà chưa biết điểm dừng. Ảnh: Business Insider

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa để ngỏ khả năng đàm phán về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa tại Iran, khẳng định Mỹ sẵn sàng ký một thỏa thuận thật sự: “Tôi đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân tồi tệ và một chiều đã được ký kết với Iran. Iran không còn là một quốc gia như vậy nữa. Tôi có thể khẳng định điều này. Hãy xem những gì sắp xảy ra. Nhưng hiện tại chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận, nhưng không phải thỏa thuận thảm họa đã được thực hiện bởi chính quyền trước đó”.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi ngày 25/7 đã thẳng thừng bác bỏ việc tham gia các cuộc đàm phán theo yêu cầu đơn phương từ Mỹ. Lập trường này của Iran dường như trái ngược hoàn toàn với tuyên bố vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đây cũng được xem là phản ứng mạnh mẽ trước lời cảnh báo của người đứng đầu nước Mỹ trên trang cá nhân mạng xã hội twitter: “Đừng bao giờ thách thức lại Mỹ hoặc bạn sẽ phải chịu hậu quả nặng nề giống như lịch sử đã từng trải qua trước đó”. Ngay lập tức, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định không cần đáp lại những "lời đe dọa vô nghĩa" của người đứng đầu nước Mỹ.

Quan điểm cứng rắn của Iran càng được thể hiện rõ qua việc quốc gia Hồi giáo này đang tích cực đẩy mạnh tìm kiếm các biện pháp đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong đó có việc quốc gia Hồi giáo này đang phát triển một loại tiền kỹ thuật số.

Đề cập các chế tài trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, nhà lãnh đạo Hassan Rouhani cũng vừa lên tiếng cảnh báo rằng việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran cũng như các quốc gia có quan hệ thương mại với quốc gia Hồi giáo này có thể kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, thậm chí dẫn tới "các cuộc chiến tranh” với hậu quả khôn lường. Tổng thống Rouhani gọi những động thái áp đặt trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran là chiến tranh kinh tế, đồng thời cho biết bất kỳ đe dọa nào chống Iran đều sẽ là đòn phản tác dụng.

Mỹ-Iran dường như đang lao vào một cuộc khẩu chiến căng thẳng chưa từng có mà chưa biết điểm dừng. Hiện chưa rõ hai bên sẽ hành động như thế nào để giải quyết mâu thuẫn ngày càng bị đẩy lên cao này. Nhưng rõ ràng, việc Mỹ và Iran ở thế đối đầu, thì hậu quả nhãn tiền dễ nhận thấy nhất chính là thị trường thế giới sẽ đứng trước nỗi lo giá dầu leo dốc vì gián đoạn trong khâu vận chuyển.

Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở khi Tổng thống Iran gần đây liên tục đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz- tuyến đường vận chuyển dầu lớn nhất vịnh Arab, nhằm phản ứng trước lời đe dọa của Mỹ về việc ngăn chặn xuất khẩu dầu của Iran. Một khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung dầu, thì dù chỉ trong một thời gian ngắn thiếu hụt nguồn cung cũng có thể đẩy giá dầu lên cao bất thường, từ đó dẫn tới tình trạng hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ./.