Quyền Tổng giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc (IAEA) Cornel Feruta cuối tuần này tới thủ đô Tehran để gặp gỡ các quan chức Iran, trong bối cảnh Chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo hôm 6/9 khởi động giai đoạn 3 của tiến trình giảm cam kết hạt nhân.

Tương lai thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 ngày càng trở nên mong manh, nhất là khi mọi nỗ lực ngoại giao nhằm cứu vãn văn kiện, đặc biệt là của Pháp và châu Âu, tới nay đều chưa mang lại kết quả.

iran_ekbz.jpg
Iran. Ảnh: FAS.

Trong một thông cáo, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết, lãnh đạo tạm thời của cơ quan này, ông Cornel Feruta hôm 7/9 lên đường tới thủ đô Tehran để gặp gỡ các quan chức cấp cao nước này vào ngày mai. Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ các cuộc tiếp xúc đang diễn ra giữa IAEA và Iran, không bao gồm tiến trình thanh sát theo thỏa thuận Viên về chương trình hạt nhân Iran.

Đạt được năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), thỏa thuận này cho phép dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt chống Iran để đối lại cam kết của nước Cộng hòa Hồi giáo không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trả đũa quyết định đơn phương của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi giữa năm ngoái, sau đó là việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và trước sự bất lực của châu Âu nhằm bảo vệ nước này khỏi các lệnh trừng phạt, Iran hồi tháng 5 vừa qua đã bắt đầu từng bước giảm cam kết hạt nhân. Giai đoạn 3 của tiến trình bắt đầu từ hôm qua, với tuyên bố vượt mọi giới hạn về nghiên cứu và phát triển để có thể tăng tốc làm giàu urani.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh: “Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran có nghĩa vụ ngay lập tức thúc đẩy các hoạt động mà vấn đề kĩ thuật yêu cầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hạt nhân, từ bỏ tất cả các cam kết trong điều khoản nghiên cứu và phát triển theo Thỏa thuận hạt nhân. Chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển máy li tâm, với các loại máy tiên tiến mới”.

Dù chưa nêu chi tiết về giai đoạn thứ 3 này, song theo Ngoại trưởng Javad Zarif, quyết định là cần thiết để chống lại  các hành vi “khủng bố kinh tế” của Mỹ.

Trong một phản ứng mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 6/9 cho rằng việc Iran tiếp tục giảm cam kết hạt nhân là không thể chấp nhận và kêu gọi các nước châu Âu chấm dứt hành vi theo kiểu “tống tiền” này của Iran.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Maja Kocijancic cùng ngày nhấn mạnh tới vai trò của IAEA, cho rằng cơ quan Liên Hợp Quốc này nắm giữ chìa khóa nhằm giám sát và kiểm chứng việc thực thi cam kết hạt nhân của Iran theo thỏa thuận năm 2015. Liên minh châu Âu đồng thời bày tỏ sự lo ngại lớn trước thông báo của Iran và một lần nữa kêu gọi nước này kiềm chế và không thực hiện bất kỳ bước đi nào khác có thể gây nguy hại hơn nữa cho thỏa thuận hạt nhân:  “Chúng tôi vô cùng quan ngại về tuyên bố của Iran trong bức thư gửi tới bà Mogherini liên quan đến việc giảm trừ các cam kết trong thỏa thuận. Quan điểm của chúng tôi hết sức rõ ràng và luôn đồng nhất. Các cam kết của chúng tôi đối với thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ phụ thuộc vào sự tuân thủ đầy đủ thỏa thuận của Iran”.

Trong báo cáo mới nhất công bố hôm 30/08, IAEA cho biết vẫn tiếp tục công việc kiểm chứng hạt nhân, với sự hỗ trợ của máy bay giám sát và những chuyến thị sát khu vực. Đặc biệt, cơ quan nay cũng khẳng định luôn nhận được sự hợp tác đầy đủ và tích cực của Iran./.