Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, có sự tham gia của 67 đại biểu đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Biển Đông, bao gồm Brunei, Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.
Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Mahendra Siregar đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác và phối hợp giữa các bên tham gia nhằm thảo luận và quản lý các thách thức chung ở khu vực Biển Đông, trong đó có biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng. Tham dự hội thảo, Quyền Vụ trưởng Chiến lược Chính sách Đối ngoại, Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho rằng đây là cơ hội để phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi. Các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục phát triển thói quen đối thoại và giao tiếp để “tạo không gian và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung ở khu vực Biển Đông”.
Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về nhiều vấn đề cùng quan tâm, bao gồm tác động, thích ứng và các chính sách về biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng đối với các cộng đồng ven biển ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, các vấn đề khác như nền kinh tế xanh và các mảnh vụn nhựa ở Biển Đông đã được đưa ra thảo luận.
Hội thảo về Quản lý xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1990 tại Bali. 30 năm qua, hội thảo do Indonesia khởi xướng đã thu hút sự tham gia của chính phủ, khu vực tư nhân và giới học thuật, liên tục trở thành diễn đàn đối thoại và hợp tác trong các dự án khác nhau nhằm đạt được các mục tiêu chung ở là xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng./.