Chủ đề Diễn đàn Dân chủ Bali lần thứ 14 nêu bật những thách thức mà chính phủ các nước trên thế giới phải đối mặt, đặc biệt là các nền dân chủ do đại dịch kéo dài. Ba vấn đề chính được đặt ra trong hội nghị liên quan đến tác động của đại dịch bao gồm sự tồn tại bất công về kinh tế và xã hội cùng tỷ lệ đói nghèo ngày càng gia tăng.
Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, Diễn đàn Dân chủ Bali Bali có sự tham gia của đại diện từ 96 quốc gia, trong đó có 49 quốc gia tham gia trực tiếp và 47 quốc gia tham dự trực tuyến. Ngoài ra còn có 4 tổ chức quốc tế với sự hiện diện của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guteres và đại diện thế hệ trẻ.
Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, Diễn đàn Dân chủ Bali năm nay đã thay đổi hình thức từ một cuộc thảo luận chung thành các nhóm thảo luận. Mỗi nhóm sẽ thảo luận về một chủ đề như: nỗ lực xóa đói giảm nghèo, khắc phục bất bình đẳng xã hội và các bước để thúc đẩy hòa nhập. Trong Diễn đàn Dân chủ Bali lần thứ 14 này, các nước tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong việc vượt qua những thách thức trong đại dịch, đồng thời duy trì các giá trị dân chủ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Dân chủ Bali còn diễn ra Diễn đàn Cộng đồng Doanh nghiệp với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ 34 quốc gia; Diễn đàn Truyền thông và Xã hội Dân sự Bali (BCSMF) với sự tham dự của 340 đại biểu từ 7 quốc gia; Diễn đàn Sinh viên Dân chủ Bali với sự tham dự của 137 thanh niên đến từ 24 quốc gia.
Diễn đàn Dân chủ Bali là diễn đàn thường niên liên chính phủ dành cho các quốc gia ở Châu Á và Thái Bình Dương do Chính phủ Cộng hòa Indonesia khởi xướng vào năm 2008 để thảo luận về các khía cạnh khác nhau của hệ thống dân chủ. Diễn đàn hướng tới mục tiêu xây dựng một kiến trúc dân chủ vững chắc trong khu vực thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau./.