Tại cuộc họp Đại hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41, Indonesia đã kêu gọi các quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý đại dịch Covid-19 và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á.
Tại cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch Hạ viện Indonesia, bà Puan Maharani cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động đến cuộc sống con người và nền kinh tế của các quốc gia, đẩy nhiều quốc gia đến bờ vực "suy thoái". Do vậy, Indonesia kêu gọi các nước thành viên đưa ra chính sách phù hợp nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19, giảm tác động kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội”.
Theo bà Puan, cần phải tối ưu hóa vai trò quốc hội bằng cách thực hiện các nhiệm vụ lập pháp liên quan đến việc khắc phục dịch Covid-19 và các tác động kinh tế, xã hội của nó, chẳng hạn như xây dựng luật liên quan đến kích thích tài khóa hoặc tăng cường mạng lưới an sinh xã hội. Với tinh thần "Gotong Royong", một thuật ngữ truyền thống của Indonesia với ý nghĩa chung sức, Indonesia tin tưởng mục tiêu chung vượt qua đại dịch Covid-19 có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, quốc hội cũng phải tăng cường giám sát để đảm bảo luật pháp được thực thi, đem lại lợi ích cho người dân.
Về vấn đề duy trì an ninh ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hạ viện Indonesia nhấn mạnh, hòa bình và ổn định là nhân tố quan trọng trong phát triển và tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á. Do vậy, bà kêu gọi các quốc gia thành viên ưu tiên hòa bình, tránh các hành động leo thang căng thẳng, kiềm chế và xây dựng lòng tin bằng cách nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN.
Theo bà Puan, nghị viện thành viên AIPA cũng phải khuyến khích các quốc gia ASEAN tuân thủ luật pháp quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 như một tài liệu tham khảo trong việc xác định chủ quyền hàng hải, quyền chủ quyền và lợi ích hợp tác trên biển. Bà cũng nhấn mạnh: "Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông cũng phải được xây dựng như một khuôn khổ để đạt được sự đồng thuận cho các bên tham gia đối thoại và tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông."
Chủ tịch Hạ viện Indonesia cho rằng, để có một cộng đồng "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", tất cả các thành viên phải nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả với các thách thức khu vực đang nổi lên./.