Để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 181 triệu dân trong vòng 15 tháng, Indonesia sẽ phải trải qua một số thách thức. Ngày 13/1/2021, Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho 70% dân số. Chiến dịch này được chia làm 4 giai đoạn với các nhóm ưu tiên nhận vaccine theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và sẽ hoàn thành vào tháng 4/2022.
Chính phủ Indonesia đã đặt mua 426 triệu liều vaccine COVID-19 từ các công ty quốc tế khác để đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Indonesia mới nhận được 3 triệu liều vaccine Covid-19 của Sinovac Trung Quốc dạng thành phẩm và 25 triệu liều vaccine dạng thô để tự bào chế. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang phát triển hai loại vaccine nội địa để hi vọng đạt tiến độ tiêm chủng. Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị ngân sách là 60,5 ngàn tỷ RP cho việc mua sắm và phân phối vaccine miễn phí cho toàn dân. Mặc dù đã huy động toàn bộ nguồn lực, tuy nhiên theo ý kiến các chuyên gia, chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân tại Indonesia sẽ gặp nhiều thách thức.Thứ nhất, cơ sở hạ tầng và phương tiện vận chuyển chưa đầy đủ có thể ảnh hưởng đến tốc độ phân phối vaccine đến các vùng trong quốc gia vạn đảo.Thứ hai, Indonesia sẽ phải chuẩn bị một nguồn lực lớn. Hiện nay, Bộ Y tế hiện có khoảng 31.000 nhân viên tiêm chủng. Theo tính toán của Khoa Y tế Công cộng, Đại học Indonesia, mỗi ngày Indonesia phải tiêm vaccine cho 1 triệu người thì mới có thể đạt mục tiêu. Do vậy hiện nay lực lượng cảnh sát và quân đội Indonesia đã bắt đầu tham gia các khóa đào tạo và tham gia hỗ trợ cho quá trình tiêm chủng.Thách thức cuối cùng và cũng rất quan trọng là làm sao cung cấp cho công chúng thông tin chính xác về vaccine Covid-19 để có sự tham gia tự nguyện của đa số người dân với những tôn giáo tín ngưỡng và trình độ học vấn khác nhau, có như vậy thì mục tiêu tiêm chủng mà Indonessia đưa ra mới có thể đạt được.Có thể nói, việc tiêm chủng Covid-19 này là một thử thách với chính phủ trong việc chứng minh sự hợp tác xuyên ngành và đạt được lòng tin của người dân./.