Kể từ đầu năm nay, Indonesia đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để nghiên cứu việc chuyển nhóm quần đảo này thành đặc khu kinh tế theo yêu cầu của văn phòng khu vực Natuna, cơ quan có thẩm quyền đối với quần đảo. Văn phòng đã thúc giục chính quyền trung hiện thực hóa kế hoạch này trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo kết thúc vào tháng 10/2024.
Hiện tại, Indonesia có 18 đặc khu kinh tế, 6 trong số đó vẫn đang được xây dựng, nhằm thu hút đầu tư thông qua các biện pháp giảm thuế và tài chính. Bằng cách biến quần đảo Natuna trở thành đặc khu kinh tế, chính quyền trung ương và địa phương hy vọng có thể thu hút đầu tư, đặc biệt là từ các công ty nước ngoài để cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản như tàu đánh cá, cơ sở cảng và hậu cần tại vùng biển có nguồn lợi thủy sản dồi dào này.
Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia Sakti Wahyu Trenggono lạc quan, ngành hàng hải và thủy sản ở Natuna sẽ phát triển khi có đặc khu kinh tế. Tuy nhiên chính phủ sẽ vẫn giữ nguyên tắc của nền kinh tế xanh, duy trì hệ sinh thái biển bên cạnh nỗ lực tăng trưởng kinh tế.
Vào giữa tháng 3, Tổng thống Joko Widodo đã ký sắc lệnh phân chia vùng biển xung quanh quần đảo Natuna thành nhiều mục đích sử dụng để thúc đẩy kinh tế bao gồm khu vực du lịch, thăm dò dầu khí, nghề cá và an ninh quốc gia.
Indonesia cũng ưu tiên củng cố quốc phòng xung quanh quần đảo Natuna trước khi biến nơi đây thành đặc khu kinh tế. Việc thành lập khu vực an ninh và quốc phòng ở khu vực xung quanh quần đảo Natuna sẽ cho phép Indonesia tiến hành các cuộc tập trận quân sự và bảo vệ bờ biển. Indonesia cũng có ý định xây dựng các căn cứ quân sự và các cơ sở quốc phòng lớn khác tại đây.
Quần đảo Natuna gồm 154 hòn đảo, trong đó có 127 đảo không có người. Vùng biển Natuna nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Indonesia, chồng lấn với "đường chín đoạn" do Trung Quốc đơn phương tuyên bố. Các tàu cá Trung Quốc thường xuyên hoạt động trong vùng biển này dưới sự hộ tống của các tàu hải cảnh./.