Quy định về việc tự cách ly đối với người nhiễm biến thể Omicron được nêu trong thông tư mới ban hành của Bộ Y tế Indonesia về phòng ngừa và kiểm soát sự lây lan của biến thể Omicron. Theo đó, người nhiễm Omicron không có triệu chứng thực hiện tối thiểu 10 ngày cách ly kể từ khi mẫu bệnh phẩm xác nhận mắc Covid-19 được tiến hành. Với bệnh nhân có triệu chứng rõ ràng, họ sẽ phải cách ly ít nhất 13 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Người nhiễm Omicron tự cách ly ở nhà phải đáp ứng các điều kiện như: dưới 45 tuổi, không có các bệnh đi kèm, có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế từ xa và cam kết không ra ngoài trong thời gian cách ly. Người bệnh còn cần có phòng riêng hoặc tốt hơn là ở một tầng riêng biệt trong nhà, sử dụng phòng vệ sinh riêng và trang bị máy đo nồng độ ô-xi. Trong thời gian cách ly, người nhiễm Omicron chịu sự giám sát của trung tâm y tế địa phương hoặc lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19.

Nếu không đáp ứng các điều kiện này, bệnh nhân sẽ phải cách ly tại một cơ sở cách ly tập trung do chính phủ chỉ định. Những trường hợp có triệu chứng nặng hoặc chuyển biến nguy kịch sẽ được điều trị tại các bệnh viện chuyên chữa trị Covid-19.

Chỉ trong vòng 3 tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 tại Indonesia đã tăng lên gấp 5 lần từ hơn 1.120 ca lên tới 5.454 ca. Trong số này, có gần 900 ca nhiễm biến thể Omicron. Để khống chế đại dịch, chính phủ Indonesia đang thực hiện 4 chiến lược gồm: giám sát, trong đó có việc tự cách ly; đảm bảo các giao thức y tế; tiêm chủng và điều trị./.