Ông Nurcahyo Utomo, Chủ tịch Tiểu ban Điều tra Tai nạn Hàng không thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia ngày 20/1 cho biết, cơ quan này sẽ cố gắng xử lý cuộc điều tra càng nhanh càng tốt.
“Chúng tôi đã lên lịch một năm cho đến khi báo cáo cuối cùng được công bố”, ông
11 ngày sau khi máy bay rơi, hiện nay, Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia đã tìm thấy hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay, trong khi đó, hộp đen ghi âm buồng lái vẫn chưa được tìm thấy.
Indonesia huy động hơn 4.000 nhân lực, hàng trăm tàu bè, 15 máy bay và 38 xe cứu thương hỗ trợ công tác tìm kiếm. Có 40 nạn nhân đã được xác định danh tính, trong đó có cả trẻ sơ sinh. Cuộc tìm kiếm được kéo dài đến ngày 21/1/2021, quá 6 ngày so với quy định của Indonesia về tìm kiếm cứu nạn cứu hộ.
Tổng thống Indonesia đã chỉ thị tối ưu hóa tìm kiếm hộp đen còn lại, nạn nhân và các phần khác của máy bay, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân và gia đình. Lãnh đạo Indonesia cũng yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và qua đó rút ra bài học để nâng cao hiệu quả hoạt động hàng không quốc gia Indonesia.
Năm 2018, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia cũng đã dừng chiến dịch tìm kiếm máy bay Lion Air JT 610 rơi xuống biển sau 13 ngày tìm kiếm với lý do không tìm thấy thêm nạn nhân.
Ngày 9/1, máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya chở 62 hành khách và phi hành đoàn rơi xuống biển trên hành trình từ Jakarta-Pontianak, đảo Kalimantan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát ở đất nước này./.