Ngày 14/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2015.
IMF giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 3,5% đưa ra trong dự báo hồi tháng 1 cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cho biết con số này được kỳ vọng tăng lên 3,8% trong năm 2016.
IMF tế hạ mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ từ 3,6% xuống 3,1%. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là đầu tàu thúc đẩy sản xuất thế giới trong năm 2015 và 2016 trong khi nhiều nền kinh tế đang phát triển vật lộn với giá hàng hóa thấp và bất ổn trong thị trường tài chính.
Trong khi đó, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ giảm 3,8% trong năm nay do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng như tác động từ giá dầu giảm.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard cho biết: “Chúng tôi rất hoài nghi và điều đó được thể hiện trong dự báo. Bởi vì kinh tế Nga phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác ngoài việc đồng rouble trượt giá. Chúng tôi nghĩ môi trường kinh doanh ở Nga chưa đủ tốt và giá dầu giảm cũng có tác động rất lớn đối với Nga. Chính vì thế dự báo họ sẽ phải đối mặt với suy thoái”.
Nền kinh tế 18 nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) được dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2015 và 1,6% trong năm 2016, tăng so với dự báo hồi tháng 1 là 1,2% (2015) và 1,4% (2016).
Tại châu Á, IMF không điều chỉnh dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc khi cho rằng nền kinh tế số 2 thế giới này sẽ chỉ tăng trưởng 6,8% và 6,3% lần lượt trong 2 năm 2015 và 2016, giảm đáng kể so với mức tăng 7,4% trong năm 2014.
Ngược lại, kinh tế Nhật Bản lại khởi sắc hơn khi được dự báo sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay và 1,2% trong năm tới. Ấn Độ thậm chí được kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong năm nay và năm tới, vượt cả Trung Quốc nhờ tác động từ giá dầu giảm và công cuộc cải cách do chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy.
Đà tăng trưởng của Ấn Độ và Nhật Bản sẽ giúp giảm tác động tiêu cực từ sự chững lại trong tăng trưởng của Trung Quốc./.