Trước tình trạng này, Liên minh châu Âu đã lên tiếng kêu gọi hai thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần bình tĩnh và không có những hành động khiêu khích mới để tìm giải pháp xoa dịu căng thẳng hiện nay.

Trong thông báo trên trang Twitter, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này có cuộc tập tập chung trên biển giữa lực lượng hải quân nước này với tàu khu trục USS Winston S. Churchill của Mỹ tại phía Đông Địa Trung Hải trong ngày 26/8.

Bộ này cũng công bố ảnh của 3 tàu chiến, trong đó có 2 tàu Thổ Nhĩ Kỳ và một tàu treo cờ của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cơ quan này không tiết lộ thông tin chi tiết cuộc tập trận. Thông báo trên được đưa ra vài giờ sau khi Hy Lạp tiến hành cuộc tập trận chung với Pháp, Italy và Cộng hòa Cyprus ở vùng biển phía Đông Địa Trung Hải, tâm điểm của những căng thẳng vừa qua giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan về đặc quyền kinh tế.

Từ đầu tuần, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên tục đưa ra những cảnh báo lẫn nhau về những xung đột do các hoạt động thăm dò tài nguyên và tập trận ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Những căng thẳng liên tục leo thang trong thời gian gần đây liên quan tới hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải.

Hy Lạp coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp, còn Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời yêu cầu Ankara chấm dứt ngay lập tức hành động này. Tuy nhiên, phía Ankara cho rằng vùng biển mà nước này đang thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã cảnh báo về những động thái phá hoại sự ổn định trong khu vực, đồng thời cho rằng khó có thể có đối thoại khi Athens luôn bị đe dọa. Về phía mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cũng cảnh báo về các hành động khiêu khích của Athens trong thời gian qua cũng đang khiến cho căng thẳng gia tăng tại khu vực này.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sau cuộc gặp với hai bên cho biết, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã phần nào thể hiện thiện chí sẵn sàng đối thoại và hai bên không muốn giải quyết tranh chấp ở phía Đông Địa Trung Hải bằng biện pháp quân sự. Ông tin tưởng nếu hai quốc gia này quyết tâm khởi động một cuộc đối thoại trực tiếp thì có thể tìm được giải pháp đảm bảo lợi ích của hai bên.

Tuy nhiên, trong ngày 26/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ không bao giờ thỏa hiệp với những gì thuộc về họ. Đây được cho là một động thái cứng rắn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ khiến cho những nỗ lực của EU trong việc giảm căng thẳng ở khu vực này trở nên vô ích.

Dự kiến, từ ngày 27 đến 28/8, các Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu có một cuộc họp không chính thức tại Berlin trong đó sẽ đề cập đến kế hoạch giải quyết một trong những thách thức phức tạp và cấp bách nhất của khối hiện nay bao gồm tìm giải pháp tháo gỡ xung đột ở Biển Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ và các biện pháp trừng phạt cần thiết đối với Thổ Nhĩ Kỳ./.